Thứ Năm, 25/4/2024 - 08:03:47 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Khẳng định quyết tâm xây dựng Quốc hội đổi mới, hành động, vì lợi ích của nhân dân

THỨ NĂM, 13/01/2022 21:35:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã thành công “thực chất và tốt đẹp”, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Việc tổ chức Kỳ họp “chưa có trong tiền lệ” một lần nữa khẳng định quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng Quốc hội đổi mới, hành động, vì mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Đồng hành cùng Chính phủ, trách nhiệm trước đất nước và cử tri

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất là bài học để những kỳ họp "bất thường" trở thành "bình thường". Ảnh: quochoi.vn


Trước tình hình đó, để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, Kỳ họp đã tập trung xem xét những vấn đề cấp bách, đưa ra những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, với gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ và 3 phiên họp toàn thể trực tuyến, các đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu. Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp, Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua 01 Luật và 04 Nghị quyết với sự thống nhất rất cao.

Trong đó phải kể đến việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách này, Quốc hội đã quyết định cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi chương trình.

Là chính sách đặc biệt được bố trí nguồn lực lớn, lại thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả và khả thi; chú trọng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, trục lợi chính sách, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
 

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: quochoi. vn


Đặc biệt, Nghị quyết của Quốc hội cũng khẳng định vai trò của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán, giám sát việc quản lý, sử dụng các chính sách hỗ trợ. Nghị quyết nêu rõ: KTNN tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

Để kỳ họp “bất thường” trở thành “bình thường”

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV là Kỳ họp bất thường đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 76 năm Quốc hội Việt Nam. Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây cũng là lần đầu tiên một kỳ họp Quốc hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong cả kỳ. Đánh giá về Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là sự đổi mới đặc biệt của Quốc hội khóa XV, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Quốc hội. Những quyết sách quan trọng của Quốc hội tại Kỳ họp đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của DN, sinh kế và đời sống của Nhân dân.
 

Toàn cảnh Kỳ họp tại điểm cầu nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nội dung của kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị từ rất sớm, khi Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ 2. Với quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phải chờ đến kỳ họp tháng 5/2022 mới trình Quốc hội xem xét, quyết định, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành rất nhiều việc nhằm chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp bất thường. Cùng với tinh thần làm việc trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri, Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng DN trong và ngoài nước về các nội dung bàn thảo tại Kỳ họp. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của Kỳ họp.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng DN, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.

Còn Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường sẽ là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức kỳ họp linh hoạt, chủ động hơn nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.

ĐĂNG KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201