Thứ Hai, 29/4/2024 - 02:33:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hoạt động ngân hàng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức

THỨ BẢY, 06/06/2020 17:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sáu tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Để có thể duy trì được mục tiêu này trong cả năm nay, ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục vượt qua nhiều thách thức...

Quang cảnh buổi họp báo


Hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

Tại họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra chiều 05/6, NHNN cho biết, đến ngày 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.

Bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng, khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Covid-19 đã ảnh hưởng tới cầu tín dụng; đến ngày 29/5, tín dụng mới tăng 1,96% so với cuối năm 2019.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Thực hiện Thông tư trên, hệ thống các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5 - 2,5%, thậm chí có ngân hàng thương mại còn giảm lãi suất cho vay tới 3 - 4%/năm. Việc cho vay mới được thực hiện trên cơ sở tạo thuận lợi cho khách hàng nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng.

 
Đến ngày 25/5, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224.000 khách hàng với dư nợ gần 152.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/01 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. 
Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). NHNN đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định cá biệt về thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về TTKDTM và đang xin ý kiến rộng rãi đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng... Thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ước tính, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trao đổi với báo chí

Điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô

Trao đổi về định hướng hoạt động của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Chính sách tiền tệ là chính sách vĩ mô mang tính ngắn hạn, được điều chỉnh liên tục tùy theo diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Dự báo của các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành sẽ là cơ sở để NHNN đưa ra chính sách điều hành phù hợp.

Nhận diện thách thức của ngành ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho rằng, hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được Covid-19 nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Nhiều nước là đối tác thương mại của Việt Nam đang phải chịu những tác động khó lường của dịch bệnh. DN Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Hậu Covid-19, phương thức kinh doanh cũng thay đổi đòi hỏi dịch vụ ngân hàng cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là thách thức của các TCTD.

Cũng theo Phó Thống đốc, nếu không có Covid-19, ngành ngân hàng có thể đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020. Do ảnh hưởng của Covid-19, nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng tăng lên. Thách thức này đòi hỏi NHNN phải theo dõi sát sao để đưa ra các giải pháp hợp lý, vừa hỗ trợ DN, người dân vừa tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với TCTD. Hiện NHNN đã tiếp nhận đề nghị điều chỉnh tăng trưởng tín dụng của một số TCTD và đang xem xét, đánh giá. Việc điều chỉnh là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, xây dựng chương trình kết nối ngân hàng - DN và tổ chức các đoàn công tác có sự tham gia của chính quyền địa phương, đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn vốn cho người dân, DN và sẵn sàng tái cấp vốn cho các TCTD trong trường hợp cần thiết.

Các giải pháp về thanh toán, giảm phí cũng là trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm. Về lãi suất, các mức lãi suất điều hành của NHNN hiện nay giảm khá sâu so với thế giới. "NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là diễn biến lạm phát để có những định hướng điều hành lãi suất phù hợp, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế" - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
 
Bài và ảnh: THÀNH ĐỨC
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201