Thứ Năm, 18/4/2024 - 07:30:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Giám sát phải hiệu lực, hiệu quả

THỨ NĂM, 04/11/2021 18:10:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) – Phải làm đến nơi, đến chốn, có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát, đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát – Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, diễn ra sáng 04/11.

Huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia giám sát

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp. Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội khóa XV đều khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV. Chính vì thế, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn


Trong năm 2022, Quốc hội và UBTVQH tiến hành 4 giám sát chuyên đề, trong đó Quốc hội giám sát 2 chuyên đề là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

2 giám sát chuyên đề của UBTVQH là: “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”; “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH đã tập trung dành nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác chuẩn bị, huy động được tổng thể trí tuệ của đại biểu Quốc hội, sự đóng góp của các cơ quan chức năng rất sâu sát trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát như: KTNN, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ... Các kế hoạch, đề cương chi tiết đã được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần. UBTVQH đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, quyết định ban hành quyết định thành lập các Đoàn giám sát cũng như các kế hoạch, đề cương giám sát chi tiết.

Nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đã là giám sát thì phải hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát.

Trong cả 4 chuyên đề giám sát, UBTVQH đều có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương; mời và giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND 63 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện giám sát – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Phải tạo được chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát

Nhấn mạnh thêm yêu cầu giám sát đến nơi, đến chốn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phải có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. “Lần này, UBTVQH yêu cầu phải xác định được trách nhiệm giải trình của các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực. Có như vậy, sau giám sát, chúng ta mới hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, tỉnh, thành phố nào làm ở tỉnh, thành phố đó và có kiểm tra chéo lẫn nhau, HĐND làm độc lập, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Đoàn giám sát cũng làm độc lập, KTNN, Thanh tra Chính phủ cũng làm độc lập. Qua giám sát phải chỉ ra được những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay là do tổ chức thực hiện. Tới đây, phải tăng cường công tác giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại UBTVQH.
 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn


Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục đích của Hội nghị quán triệt này là tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2022. Giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Lần này, UBTVQH yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội; cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, phương pháp giám sát phải khoa học, tổ chức giám sát phải chặt chẽ. Cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh. Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước.” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc thực hiện giám sát phải giảm thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nơi được giám sát.

Bên cạnh giám sát theo chuyên đề, theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát của Quốc hội sẽ tăng cường theo hướng chất vấn tại UBTVQH, tổ chức giải trình tại các ủy ban của Quốc hội.

Tại Hội nghị các đại biểu tập trung đã thảo luận về các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH; trong đó, đi sâu làm rõ việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan KTNN, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH; những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, địa phương trong việc triển khai các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH.../.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201