Thứ Ba, 23/4/2024 - 16:07:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đã tiếp thu, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán môi trường

THỨ BẢY, 24/10/2020 16:55:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tiếp thu kiến nghị của KTNN, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận lần này đã bổ sung quy định trách nhiệm của KTNN thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường.

Toàn cảnh Phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn


Báo cáo những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Dự thảo Luật đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Liên quan đến quy định về kiểm toán môi trường, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ, nội dung kiểm toán môi trường được quy định trong Luật này để khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của DN, giúp DN nhận biết và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của KTNN thực hiện nội dung kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật KTNN và pháp luật có liên quan như tại khoản 4 Điều 75 Dự thảo Luật.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết quy định vấn đề kiểm toán môi trường trong Dự thảo Luật. Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội), việc tiếp thu, quy định về trách nhiệm của KTNN trong Dự thảo Luật là rất phù hợp với yêu cầu công tác kiểm toán môi trường trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, việc quy định về kiểm toán môi trường và việc bổ sung trách nhiệm của KTNN thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật KTNN và pháp luật có liên quan là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tại Khoản 3, Điều 75 Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đại biểu Đặng Thế Vinh, hiện nay đã có Luật Kiểm toán độc lập, Luật KTNN quy định các vấn đề liên quan đến chuẩn mực kiểm toán, tiêu chuẩn kiểm toán viên hay quy trình tiến hành một cuộc kiểm toán. Vì vậy, để tránh chồng chéo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật về bảo vệ môi trường, để trên cơ sở đó thực hiện kiểm toán, sẽ phù hợp hơn.
 

Đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu thảo luận sáng 24/10- Ảnh: Quochoi.vn


Về nội dung kiểm toán môi trường, đại biểu Đặng Thế Vinh đồng tình quy định kiểm toán môi trường là việc kiểm toán tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, vì hầu hết các cuộc kiểm toán, bất kể là cuộc kiểm toán về kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán hoạt động thì đều phải xem xét đến việc tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc tuân thủ pháp luật rộng hơn việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm khác, vì vậy, việc đặt quy định về kiểm toán môi trường tại Chương VI – Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác của Dự thảo Luật là chưa thể hiện được tính bao quát về bảo vệ môi trường. “Bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật rộng hơn việc chỉ đơn thuần là quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm. Ngược lại, nếu ta quan niệm bảo vệ môi trường chỉ gói gọn trong việc quản lý chất thải, kiểm soát chất ô nhiễm thì cũng chưa đầy đủ”- đại biểu Đặng Thế Vinh phân tích.

Do vậy, để hoạt động kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán trong lĩnh vực môi trường của KTNN thực sự phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường, đại biểu Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị chuyển Điều 75 về kiểm toán môi trường đặt sau điều quy định về thanh tra, kiểm tra về hoạt động môi trường.

Theo đại biểu, với 8 nguyên tắc bảo vệ môi trường trong Dự thảo Luật cùng với việc ưu tiên hợp lý việc dự báo phòng ngừa ô nhiễm, sự cố suy thoái môi trường; nâng cao giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ môi trường và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm, những quy định của Luật sẽ được thực hiện trong cuộc sống.
 
Điều 75. Kiểm toán môi trường
1. Khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường.
2. Nội dung kiểm toán về môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm:
a) Kiểm toán việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Kiểm toán việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;
c) Kiểm toán về kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải rắn.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
4. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
(Trích Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10)
 
Đ. KHOA 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201