Thứ Sáu, 29/3/2024 - 18:40:57 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Doanh nghiệp Thụy Sỹ có rất nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

THỨ BẢY, 27/11/2021 22:16:32 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp (DN) Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với DN Việt Nam trong các lĩnh vực mà DN Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chiều 26/11 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin đã tham dự Diễn đàn DN Việt Nam - Thụy Sỹ.
 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN


Tại Diễn đàn, Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin nhận định, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy DN Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam. Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và một thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép DN hai bên hợp tác đầu tư, kinh doanh, cũng như tăng cường quan hệ giữa hai nền kinh tế.

Chia sẻ với các nhà đầu tư Thụy Sỹ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã chuyển từ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Việt Nam chọn lọc và ưu tiên thu hút những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho các DN Thụy Sỹ tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam...

Cho rằng hai nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sỹ mang tính bổ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước đẩy mạnh trao đổi truyền thông sâu rộng về chính sách đầu tư của mỗi bên tới các DN, đặc biệt là trong các lĩnh vực hai bên ưu tiên hợp tác như tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị cộng đồng DN Thụy Sỹ thúc đẩy đàm phán việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); đề nghị các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích các dòng chảy thương mại, đầu tư trong bối cảnh mới; tăng cường trao đổi các đoàn DN tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

Chủ tịch nước kêu gọi các DN Thụy Sỹ ủng hộ để Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đồng thời cung cấp các thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị Covid-19.

Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao. Trong đó tập trung vào các giải pháp: giữ vững ổn định chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và hành chính; xây dựng hệ thống chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch… qua đó nhằm thu hút nhiều hơn nữa các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa DN hai nước. Ảnh: TTXVN


Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin và lãnh đạo các Bộ, ngành hai nước đã lắng nghe và giải đáp các vấn đề mà DN nêu ra.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về tiềm năng đầu tư vào Việt Nam như Việt Nam có môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế có xu hướng phục hồi khả quan và kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu có thể đạt 600 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra, các DN Thụy Sỹ cũng sẽ được hưởng rất nhiều cơ hội khác khi tới làm ăn ở Việt Nam, vì Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)./.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201