Thứ Sáu, 19/4/2024 - 16:36:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài

THỨ BA, 22/10/2019 13:15:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO)- Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

48,7% tổng số tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, thời gian qua, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8 năm 2019 còn 6,9%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.
 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Quốc hội- Ảnh:quochoi.vn

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó tại Khoản 2 Điều 1 Quốc hội giao Chính phủ: “Thực hiện các biện pháp để xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý”. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Theo Dự thảo, Nghị quyết này quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Người nộp thuế có tiền nợ thuế thuộc đối tượng được khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp quy định tại Nghị quyết này; Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung Chính phủ trình; đồng thời báo cáo Quốc hội một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Theo đó, về nguyên tắc xử lý nợ, Khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết quy định đối với trường hợp các đối tượng được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp khi quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, DN quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị không thu hồi đối với các đối tượng được quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 7 Điều 4, chỉ thu hồi đối với các trường hợp được xóa do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do vi phạm pháp luật (khoản 4 và 5 Điều 4) và các trường hợp đã được xóa sai quy định.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết biện pháp xử lý nợ (Điều 5). Tuy nhiên, đề nghị rà soát việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với đối tượng: “Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề” tại điểm d khoản 5 cho phù hợp với Điều 211 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về các trường hợp DN bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN. Do đó, đề nghị không xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Để có căn cứ xác định thời điểm xóa nợ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung quy định xác nhận về thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ tại khoản 3 Điều 5. Đồng thời, để bảo đảm rõ ràng, phù hợp với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể về thời điểm xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng còn nợ mà chưa được Nhà nước thanh toán (phát sinh trước ngày 01/01/2011).

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhất trí với Dự thảo Nghị quyết quy định: “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định về việc hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ không đúng và phải nộp vào NSNN khoản nợ đã được xóa không đúng (khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết) không chỉ thực hiện trong thời hạn 03 năm; các khoản nợ thuế sau 03 năm mới phát hiện thuộc trường hợp được khoanh, được xóa theo quy định của Nghị quyết này thì vẫn phải được khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết này. Do đó, đề nghị không quy định Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trường hợp cần thiết để giải quyết dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu nộp NSNN thì đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ tổ chức thực hiện Nghị quyết này trong 3 năm.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị sửa lại khoản 3 như sau: “báo cáo Quốc hội cụ thể, chi tiết về kết quả xử lý hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo Nghị quyết này và có đánh giá tác động cụ thể.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các DNNN, vì DNNN là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp. Do vậy, việc khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phải được xử lý trong quá trình cổ phần hóa DN.

MINH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201