Thứ Sáu, 26/4/2024 - 09:45:06 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đại hội XIII: Đổi thay ở nơi lập cơ sở Đảng đầu tiên tại Thái Nguyên

THỨ BẢY, 30/01/2021 15:05:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Gần 85 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã La Bằng đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương cách mạng ngày càng đổi mới, trở thành địa phương đi đầu của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ngôi nhà lá 3 gian, nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên tỉnh Thái Nguyên. (Nguồn: dangcongsan.vn)


Tháng 3/1936, tại xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh đã được thành lập.

Gần 85 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã La Bằng đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương cách mạng ngày càng đổi mới, trở thành địa phương đi đầu của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tự hào truyền thống lịch sử

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ Nhất (năm 1935) ở Macau, Chi bộ hải ngoại Long Châu quyết định đưa cán bộ về nước phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở những vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa làm nòng cốt cho cách mạng.

Tháng 3/1936, tại ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon (tức Đường Nhất Quý) ở xóm Lau Sau, xã La Bằng, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được chính thức thành lập chỉ với 4 đảng viên là người dân tộc Nùng. Đây cũng chính là những “đốm lửa" đầu tiên được thắp lên, góp phần lan tỏa cao trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 ở Thái Nguyên và vùng Việt Bắc, tạo nên cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền phong kiến, thực dân, làm nên thắng lợi chung của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Với những đóng góp cho cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã La Bằng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và xã La Bằng được công nhận là xã An toàn khu.

Nơi cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thành lập đã được Bộ Văn hóa-Thông tin và Thể thao công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1999. Ngôi nhà lá ba gian này cũng là “địa chỉ đỏ” để tỉnh Thái Nguyên nói chung và xã La Bằng nói riêng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Anh Hứa Văn Phúc, Bí thư Đoàn xã La Bằng cho biết, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức tại đây như kết nạp đảng viên mới, công nhận đảng viên chính thức, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương… Để góp phần giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường, đoàn viên thanh niên xã thường xuyên tổ chức dọn dẹp, trồng cây xanh, vệ sinh quanh khu vực di tích.

Khẳng định cây mũi nhọn trong nhiệm kỳ mới

Với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng phù hợp, La Bằng là một trong những vùng chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Toàn xã hiện có trên 430 ha, trong đó có 55% diện tích chè cành chất lượng cao, góp phần nâng năng suất chè của xã từ 80 lên 120 tạ búp tươi/ha/năm.

Không chỉ nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng chè ở đây cũng ngày càng được chú trọng theo hướng đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Những năm gần đây, xã liên tục mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và là địa phương tiên phong trong sản xuất chè hữu cơ.

Đến nay, việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở La Bằng đã lan rộng ra toàn xã, trong đó có gần 100ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, giá bán các sản phẩm chè La Bằng thường cao hơn nhiều so với một số địa phương.

Chè khô thường bán từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg; chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Nhiệm kỳ 2020-2025, cây chè tiếp tục được khẳng định là cây mũi nhọn, mang thương hiệu La Bằng với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa sản phẩm chè của Việt Nam đến với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Xã viên Hợp tác xã chè La Bằng, xã La Bằng, huyện Đại Từ chế biến chè đặc sản. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)


Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng, là người có nhiều gắn bó, trải nghiệm với cây chè chia sẻ, sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với các hộ dân trong việc sản xuất chè theo đúng quy trình, quy định cũng là điều kiện quan trọng giúp sản phẩm chè La Bằng vươn xa.

Hiện nay, thương hiệu chè La Bằng của Hợp tác xã đã vươn ra thế giới. Chè La Bằng đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đặc biệt, chè La Bằng của Hợp tác xã đã vinh dự được chọn làm quà tặng cho Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017.

Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng, cho biết xã đang dần hướng đến phát triển sản phẩm chè hữu cơ. Trong đó, xã ưu tiên phát huy vai trò của hợp tác xã, làng nghề trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, phát triển nhãn hiệu tập thể chè và xây dựng chỗ đứng cho thương hiệu chè La Bằng trên thị trường trong nước, khu vực. Đồng thời, xã thu hút đầu tư xây dựng các mô hình liên kết bền vững trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chè theo chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm.

Trong những năm tiếp theo, Đảng bộ xã La Bằng xác định tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới; huy động các nguồn lực xây dựng La Bằng thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, La Bằng tiếp tục khẳng định cây chè là cây mũi nhọn, đồng thời phát triển du lịch truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm đến du lịch làng nghề chè… góp phần quảng bá, nâng tầm sản phẩm chè La Bằng ngày một vươn xa, khẳng định vị thế ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ./.

Theo vietnamplus.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201