Thứ Bảy, 20/4/2024 - 15:45:59 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN

THỨ TƯ, 31/10/2018 17:20:00 | TRONG NƯỚC
(BKTO) - Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019. Dự thảo Báo cáo Dự toán NSNN năm 2019 cũng đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức 29/10, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính

Theo dự thảo Báo cáo Dự toán NSNN năm 2019 đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin của Bộ, trên cơ sở đánh giá thu NSNN năm 2018, dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019, đồng thời có tính đến yếu tố tác động điều chỉnh chính sách thu, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20%GDP.

Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.173,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng dự toán thu NSNN; nếu không kể các khoản thu không ổn định và không phải đặc trưng của sản xuất- kinh doanh trong nước, thì dự kiến thu khoảng 945 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018, là mức tích cực so với tăng trưởng kinh tế 6,6- 6,8% và cao hơn tốc độ tăng thu thuế, phí vài năm trở lại đây. Dự toán thu dầu thô là 44,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng dự toán thu NSNN, trên cơ sở sản lượng dầu khai thác là 10,43 triệu tấn, giá dự toán 65 USD/thùng. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: 189,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dự toán thu NSNN. Dự toán thu viện trợ: 4 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến tổng chi cân đối NSNN năm 2019 là 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so dự toán năm 2018. Dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ chủ yếu như sau: Chi đầu tư phát triển: 429,3 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% tổng chi NSNN, tăng 7,4% so dự toán năm 2018. Chi trả nợ lãi: 124,8 nghìn tỷ đồng, bằng 7,6% tổng chi NSNN, tăng 11% so với dự toán năm 2018. Chi viện trợ: 1,3 nghìn tỷ đồng, bằng với dự toán năm 2018. Chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế): 1042,8 nghìn tỷ đồng, bằng 63,8% tổng chi NSNN, tăng 6,8% dự toán năm 2018. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 100 tỷ đồng, bằng dự toán năm 2018.

Để đảm bảo mức dự toán NSNN năm 2019, báo cáo đưa ra các 9 giải thực hiện dự toán NSNN năm 2019 gồm: Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ba là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Bốn là, tiếp tục quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2019 và kế hoạch tài chính- NSNN 3 năm 2019-2021. Xây dựng và triển khai dự toán NSNN gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của NSNN, xác định được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực.

Năm là, kiên định thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Sáu là, tiếp tục phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Bảy là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tám là, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công. Chín là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN

Tại buổi Tọa đàm, nhiều chuyên gia tài chính đánh giá cao việc Bộ Tài chính công khai, minh bạch báo cáo dự toán NSNN 2019 để lấy ý kiến các tổ chức và người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ đọc tài liệu này thì chưa thỏa mãn tất cả bởi lĩnh vực ngân sách đòi hỏi chuyên môn cao. Hơn nữa, dự toán cần phải bảo đảm tính nhất quán về số liệu. Các chuyên gia đề nghị, cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN để có thể quy trách nhiệm cụ thể và cần đảm bảo sự nhất quán về số liệu giữa các năm.

Toàn cảnh Tọa đàm “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” 

PGS.TS Vũ Sỹ Cường- Chuyên gia Kinh tế tài chính và chính sách công, Phó trưởng Bộ môn Phân tích Chính sách, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, dự toán về nguồn thu năm 2019 đã tương đối chi tiết hơn so với dự toán của năm trước nhưng cần phải đảm bảo tính nhất quán về số liệu trong năm dự toán và nhất quán số liệu giữa các năm, nếu năm nay công khai số này, sang năm lại công khai số khác thì rất khó so sánh.

Hơn nữa, vẫn giống như trước đây, dự toán năm 2019 cũng chỉ có tổng số chi mà không có số chi cụ thể của từng lĩnh vực. Theo Luật định, chi đầu tư cũng phải chi tiết theo từng lĩnh vực giống như chi thường xuyên. Tuy nhiên, trong dự toán này, chi đầu tư vẫn chung- ông Cường nói.

Ông Phạm Đình Cường-  Nguyên Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng: hiện có 3 văn bản Luật điều chỉnh các quy định liên quan đến việc công khai NSNN là Luật NSNN, Luật quản lý nợ công và Luật bảo vệ bí mật Nhà nước. Bộ Tài chính đã thực hiện đúng quy định của Luật NSNN về vấn đề công khai ngân sách. Mỗi người dân đều có quyền tiếp cận và đưa ra ý kiến về dự toán NSNN hàng năm của Chính phủ. Cho nên về mặt thực hiện, thì việc công bố và lấy ý kiến các tổ chức, người dân về dự toán NSNN năm 2019 của Bộ Tài chính là bước tiến rất lớn về công khai ngân sách nhưng nếu chỉ đọc tài liệu này thì chưa thỏa mãn tất cả bởi lĩnh vực ngân sách đòi hỏi chuyên môn cao.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đánh giá: Việt Nam đạt nhiều tiến bộ nhất định về công khai, minh bạch ngân sách qua đó giúp người dân theo dõi và giám sát tốt hơn. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, mức độ công khai, minh bạch ngân sách Việt Nam so với tiêu chuẩn của quốc tế còn khoảng cách xa. Ông Doanh nêu ví dụ: Bộ Tài chính Pháp công bố tài liệu về quyết toán ngân sách với hơn 1.900 trang, Thụy Điển là hơn 2.000 trang, của Việt Nam thì chỉ vài chục trang. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cần có bước tiến xa hơn nữa trong việc công khai NSNN để có thể quy trách nhiệm cụ thể và cần đảm bảo sự nhất quán về số liệu giữa các năm.

THÙY ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ trì và phối hợp giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp giữa MTTQVN với các cơ quan hữu quan.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201