Thứ Năm, 28/3/2024 - 18:19:20 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước

THỨ BA, 09/08/2022 09:20:00 | THỜI SỰ - SỰ KIỆN
(BKTO) - Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cơ bản đạt được mục tiêu THTK, CLP trong quản lý chi thường xuyên cũng như các nội dung tiết kiệm cơ bản. Kết quả nổi bật trong giai đoạn này là KTNN đã tiết kiệm gần 300 tỷ đồng trong sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

Bài 1: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác THTK, CLP của KTNN  giai đoạn 2016-2021. Ảnh: quochoi.vn


Không để xảy ra thất thoát, lãng phí

Trong giai đoạn 2016-2021, thực hiện các quy định về THTK, CLP, KTNN đã ban hành Chương trình hành động của KTNN về THTK, CLP từng năm và giai đoạn theo Chương trình tổng thể của Chính phủ, ban hành các Chương trình hành động của KTNN triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ hàng năm. KTNN cũng ban hành công văn hướng dẫn các đơn vị về tổ chức thực hiện dự toán năm, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Luật THTK, CLP, chống tham nhũng và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tại các báo cáo hàng năm đã đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong từng năm và giai đoạn 2016-2021. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, KTNN đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm của Chương trình hành động hàng năm về THTK, CLP, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, không có hành vi vi phạm phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã thực hiện 88 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành và việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm toán của các đơn vị trong ngành. Đồng thời, KTNN tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu; việc chấp hành Quy chế tổ chức hoạt động đoàn kiểm toán, các quy trình kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán; nâng cao vai trò, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của Luật KTNN; tăng cường thanh tra trực tiếp và đột xuất để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót ngay trong quá trình kiểm toán.

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: KTNN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp về công tác THTK, CLP.

Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về THTK, CLP đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, từ đó công tác quản lý và sử dụng nguồn lực được tăng cường, mục tiêu THTK, CLP trong quản lý chi thường xuyên, các nội dung tiết kiệm cơ bản đạt được.

Kết quả, trong giai đoạn 2016-2021, KTNN đã tiết kiệm trong sử dụng NSNN 200.921 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiết kiệm từ chi quản lý hành chính như công tác phí, xăng dầu, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, hội nghị, hội thảo, tiếp khách.

Lập và giao dự toán tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặc thù

Làm rõ hơn những kết quả THTK, CLP trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, giai đoạn vừa qua, việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán NSNN của KTNN luôn tuân thủ theo quy định của pháp luật và Kế hoạch hành động của Ngành về THTK,CLP hàng năm và giai đoạn 2016-2021.
 

Công tác phí phục vụ các đoàn kiểm toán luôn được KTNN ưu tiên bảo đảm và được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm. Ảnh tư liệu


Theo đó, công tác lập dự toán và phân bổ dự toán năm đảm bảo công bằng, dân chủ công khai, bám sát với yêu cầu thực tế và những đặc thù riêng của từng đơn vị trong toàn ngành.

Căn cứ trên cơ sở đánh giá thực hiện kế hoạch của năm trước, yêu cầu nhiệm vụ phát sinh của năm sau và các chỉ tiêu đặc thù của KTNN, của các đơn vị trong toàn ngành, các đơn vị xây dựng dự toán NSNN hàng năm theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.

Dự toán năm đã bao quát được các khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên và các nhiệm vụ đặc thù trong từng năm, đảm bảo KTNN hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng với đó, công tác thẩm định dự toán đảm bảo đúng nội dung, định mức nhà nước quy định. Công tác phân bổ dự toán đảm bảo khoa học, chặt chẽ, công bằng, bám sát với yêu cầu thực tế và những đặc thù riêng của từng đơn vị theo từng năm, dân chủ công khai và đúng thời gian.

Việc giao dự toán chi thường xuyên NSNN cho các đơn vị được thực hiện ngay từ cuối năm trước để các đơn vị chủ động sắp xếp các khoản chi trong dự toán cho phù hợp với nhiệm vụ, kế hoạch được giao, đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Việc giao kế hoạch đầu tư công các năm cũng được thực hiện theo đúng thời gian quy định.

Về kết quả thực hiện dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công hằng năm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, KTNN đã điều hành, chấp hành dự toán hàng năm đảm bảo chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đối với 20 đơn vị dự toán trong toàn ngành.

Hàng năm, KTNN ưu tiên đảm bảo kinh phí phục vụ hoạt động kiểm toán cho các đoàn, đảm bảo kinh phí phục vụ hoạt động thường xuyên của toàn Ngành, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác chấp hành ngân sách, quản lý sử dụng dự toán được lãnh đạo của các đơn vị quan tâm chỉ đạo sát sao từ đó giúp nâng cao hiệu quả THTK, CLP.

Trong công tác hành chính, KTNN đã chủ động giảm tối đa hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước; triển khai quyết liệt việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của Ngành; áp dụng thường xuyên hình thức họp trực tuyến với thành phần dự họp được mở rộng để giảm bớt chi phí đi lại của cán bộ, công chức; thực hiện chế độ khoán đối với một số khoản chi (văn phòng phẩm, điện thoại...).

Công tác quản lý và sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, tài sản, thiết bị, công cụ dụng cụ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và của Ngành; việc kiểm kê, đánh giá tài sản và thanh lý các tài sản hư hỏng được thực hiện theo quy định; việc đầu tư mua sắm thiết bị văn phòng, sửa chữa lớn tài sản cố định, sắp xếp, bố trí chỗ làm việc cho các đơn vị... đã triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, tiêu chuẩn và định mức. Ngoài ra, các đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định để quản lý, sử dụng kinh phí hiệu quả, từ đó có kinh phí tiết kiệm để chi thêm cho cán bộ, công chức...

Đáng chú ý, đối với kinh phí đi công tác trong nước, do đặc thù của KTNN là hoạt động kiểm toán diễn ra thường xuyên, liên tục trong năm nên kinh phí công tác phí phục vụ các đoàn kiểm toán luôn được ưu tiên bảo đảm. Việc quản lý công tác phí cho các đoàn kiểm toán được thực hiện chặt chẽ theo đúng thời gian công tác thực tế của các đoàn kiểm toán, đúng định mức, chế độ của Nhà nước.

“Trong nước giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí công tác phí mà KTNN tiết kiệm được là 136.702 triệu đồng. Nguồn kinh phí công tác phí tiết kiệm được là do các đơn vị xây dựng mức chi theo quy chế chi tiêu nội bộ thấp hơn định mức Nhà nước ban hành. Ngoài ra, các đơn vị tiết kiệm được kinh phí công tác phí là do điều hành của từng đơn vị như: giảm, rút ngắn thời gian kiểm toán, bố trí người, lựa chọn khách sạn, phòng lưu trú phù hợp”- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ.
 
Đánh giá về kết quả THTK, CLP của KTNN, các thành viên Đoàn Giám sát nhấn mạnh, KTNN cơ bản đã thực hiện nghiêm túc các quy định về THTK, CLP. Trong giai đoạn 2016-2021, KTNN đã có nhiều đổi mới trong phương pháp kiểm toán, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh kỷ luật tài chính trong quản lý tài sản công, tài chính công, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cung cấp nhiều thông tin để Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đ. KHOA
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

(BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201