BKTO) - Cùng với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN), giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, qua đó góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).
Bài 2: Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản và nguồn nhân lực
(
|
Công tác mua sắm tài sản, xây dựng trụ sở làm việc của KTNN luôn chấp hành nghiêm quy định pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh tư liệu
|
Mua sắm, sử dụng tài sản đúng tiêu chuẩn, định mức, đối tượng
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2021, KTNN đã ban hành các văn bản quy định về: danh mục tài sản mua sắm tập trung và phân công đơn vị mua sắm tài sản tập trung của KTNN; danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình tại các đơn vị trực thuộc KTNN; tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của KTNN; Quy chế phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công của KTNN; tiêu chuẩn, định mức và quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của KTNN.
Trên cơ sở đó, KTNN thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của Ngành về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc; từ đó thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện, tài sản.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, KTNN thực hiện triển khai mua sắm đồng bộ, tổ chức đấu thầu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Việc mua sắm tài sản nhỏ lẻ chỉ được thực hiện trong các trường hợp cấp bách và khi có chỉ đạo của lãnh đạo KTNN. Việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước và của Ngành, phục vụ thiết thực cho công việc.
Đồng thời, công tác sửa chữa tài sản, phương tiện, thiết bị cũng được thực hiện chặt chẽ theo quy định, qua đó đã kéo dài thời gian sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, giảm được kinh phí cho việc mua sắm mới tài sản. Công tác thanh lý tài sản được thực hiện công khai minh bạch. Các khoản tiền thu được từ thanh lý tài sản, KTNN thực hiện theo quy định hiện hành. Số tiền thu được từ thanh lý, nộp NSNN trong giai đoạn 2016-2021 của KTNN là 2.636 triệu đồng.
Cũng trong giai đoạn vừa qua, công tác xây dựng cơ sở vật chất của Ngành tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. KTNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tuân thủ theo đúng quy định về đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy trình, thủ tục, thẩm quyền xem xét, quyết định trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã hoàn thành, quyết toán và đưa vào sử dụng 09 dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng dự án đạt yêu cầu theo quyết định đầu tư dự án. KTNN không có dự án kém hiệu quả; dự án hoàn thành không phát huy hiệu quả; dự án hoàn thành không bàn giao, không đưa vào khai thác, sử dụng, dự án treo. |
KTNN đã được sắp xếp lại, xử lý tài sản công 13 cơ sở nhà đất. Việc sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ngành.
“Trong giai đoạn 2016-2021, KTNN không có nhà, đất công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng; không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quản lý, mua sắm, sử dụng nhà đất công vụ, trụ sở làm việc, mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc…” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh tại buổi làm việc của KTNN với Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021.
Phát triển tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả
Đánh giá về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, Báo cáo của KTNN chỉ rõ, để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, KTNN luôn chú trọng toàn diện các khâu của công tác cán bộ, thực hiện đúng quy định và đảm bảo tinh giản thủ tục hành chính nhằm mang lại hiệu quả cao theo đúng tinh thần của Luật THTK, CLP.
|
Nguồn nhân lực của KTNN được sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành. Ảnh tư liệu
|
Thực hiện chủ trương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất với chức năng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, khoa học gồm 32 đơn vị cấp vụ và tương đương (giảm 08 đơn vị so với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020).
Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), KTNN tập trung phát triển tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từng bước được hoàn thiện cả về số lượng, cơ cấu, có năng lực, trình độ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ.
Trong những năm qua, KTNN đã cụ thể hóa và ban hành hệ thống các văn bản quy định về công tác tổ chức cán bộ tương đối đồng bộ, nhất là các văn bản quy định về quản lý, sử dụng công chức. Đặc biệt, KTNN đã đề ra chủ trương, biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính theo đúng quy định tại Luật THTK, CLP.
Theo đó, quy định về phân cấp quản lý cán bộ của KTNN đã có những đổi mới về nội dung và cách thực hiện, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phân công, phân cấp hợp lý, xác định rõ và tôn trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Trên cơ sở quán triệt quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN đáp ứng tình hình, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng hướng dẫn của Trung ương, tạo nguồn chủ động cho việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự; là cơ sở để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo các cấp trong toàn ngành đã cơ bản được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Đáng chú ý, từ năm 2016 KTNN đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức KTNN, từ đó góp phần điều chỉnh cơ cấu đội ngũ cán bộ trong ngành, tăng cường đội ngũ lãnh đạo, kiểm toán viên cho các đơn vị còn thiếu, tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho KTNN./.
Đ. KHOA