Thứ Sáu, 26/4/2024 - 21:54:22 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xử lý những ngân hàng yếu kém: Phá sản là lựa chọn cuối cùng

THỨ NĂM, 09/11/2017 08:05:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Giai đoạn 2011-2015, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, song không ít ngân hàng yếu kém vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Nhằm khắc phục thực trạng này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra 5 biện pháp tái cơ cấu, trong đó có các quy định về phá sản ngân hàng yếu kém.



Nhiều TCTD thua lỗ, mất vốn...

Báo cáo kiểm toán việc thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD năm 2015 của KTNN chỉ rõ, toàn hệ thống còn nhiều TCTD bị thua lỗ, mất vốn hoặc tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi. Một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt, điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Á (DongABank). Đặc biệt, việc xử lý và cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm 31/12/2015, một số ngân hàng  vẫn còn tình trạng vốn chủ sở hữu âm, lợi nhuận âm hoặc thấp, tài sản sinh lời gần như không có, nghĩa vụ nợ lớn, nợ xấu có xu hướng tăng lên, lỗ phát sinh hằng tháng lớn và lỗ lũy kế ngày càng tăng. Điều này tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến an toàn của cả hệ thống. 

Trước thực trạng trên, trên cơ sở đồng ý của Bộ Chính trị, tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Ngay khi bước vào giai đoạn tái cơ cấu mới, NHNN đã xác định tập trung xử lý 5 ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, đến nay, 4/5 ngân hàng chưa thông qua phương án tái cơ cấu. “Việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm là điểm nghẽn của hệ thống tài chính. Nếu các ngân hàng yếu kém không được xử lý một cách triệt để thì mặt bằng lãi suất, chi phí vốn của nền kinh tế sẽ không thể giảm được và kinh tế vĩ mô cũng khó ổn định” - quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước từng cảnh báo. 

Theo KTNN, một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém vẫn rất khó khăn là do nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu còn thiếu như: chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm thuế đối với các TCTD tham gia sáp nhập, mua lại TCTD yếu kém; cơ chế khuyến khích để hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu; cơ sở pháp lý để xử lý những vấn đề về tài chính, hoạt động đối với các ngân hàng yếu kém...

Chỉ phá sản khi ngân hàng yếu kém “vô phương cứu chữa” 

Để khắc phục những bất cập trên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội đã chỉnh lý và quy định cụ thể hơn về các phương án cơ cấu lại TCTD yếu kém, trong đó có phương án phá sản ngân hàng. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: “Việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản là một hình thức răn đe và cũng là động lực để các TCTD gia tăng chất lượng quản trị điều hành, có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức của người gửi tiền khi lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt”. 

Ủng hộ quy định trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy định về phá sản những ngân hàng yếu kém là phù hợp với thông lệ quốc tế và các luật có liên quan. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc các ngân hàng làm ăn thua lỗ sẽ phải gánh chịu hậu quả là tất yếu. Đây còn là biện pháp để ngăn chặn tình trạng các ông chủ lập ngân hàng rồi rút vốn cho vay các công ty sân sau, đến lúc thua lỗ lại trông chờ sự giải cứu của NHNN và giảm tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường tiền tệ. 

Tuy nhiên, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD trong khuôn khổ của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV mới đây, một số đại biểu quan ngại, quyền lợi của người gửi tiền sẽ bị ảnh hưởng khi ngân hàng phá sản. Hơn nữa, phương án này có thể gây tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng. 

Giải đáp băn khoăn trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động kỹ lưỡng của việc phá sản đối với sự an toàn của cả hệ thống và toàn bộ nền kinh tế, từ đó đưa ra các quy định về phá sản, đảm bảo sự thận trọng và cần thiết. Theo Dự thảo Luật này, quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đây sẽ là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.

NGỌC MAI 
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 02-11-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201