Thứ Năm, 25/4/2024 - 22:08:41 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường: Khuôn khổ pháp lý cần hoàn thiện hơn

THỨ NĂM, 16/04/2015 07:15:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Sau nhiều lần đề xuất, Nghị định 34/2015/NĐ-CP (NĐ 34) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP (NĐ 53) về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/4/2015. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, NĐ 34 đã tạo tiền đề quan trọng cho VAMC xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường song để đưa nợ xấu về mức dưới 3%, cùng với Nghị định này, khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ cần tiếp tục được hoàn thiện.


Việc hoàn thiện thị trường mua bán nợ cần có sự tham gia của các bên liên quan. Ảnh: T.K  
 
Đã “nới lỏng” một số quy định mua bán nợ

Theo các chuyên gia, điểm nổi bật của NĐ 34 là Chính phủ đã trao thêm quyền hạn cho VAMC để Công ty này có thể mua nợ theo giá thị trường thay vì chỉ được mua nợ theo giá trị sổ sách.

Để có nguồn vốn mua nợ xấu theo giá thị trường, NĐ 34 đã tăng vốn điều lệ gấp 4 lần cho VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC trong việc triển khai các hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường, tái cơ cấu các khoản nợ xấu đã mua.

Cùng với đó, hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC được nhận định sẽ dễ dàng hơn thông qua việc bổ sung, “nới lỏng” một số quy định khác trong NĐ 34. Cụ thể, NĐ 34 đã sửa đổi điều kiện mua nợ xấu theo hướng khoản nợ được mua theo giá trị thị trường chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện “tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại” hoặc “khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ” thay vì phải đáp ứng đồng thời cả hai  điều kiện như quy định tại NĐ 53.

Để tăng cường và thu hút nguồn vốn huy động mua nợ theo giá trị thị trường, NĐ 34 đã bổ sung quy định cho phép VAMC được phát hành trái phiếu để mua nợ xấu theo giá trị thị trường theo kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Đáng lưu ý, trái phiếu của VAMC phát hành do tổ chức tín dụng (TCTD) nắm giữ sẽ được sử dụng để tham gia nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn tại NHNN. TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng: quy định đó góp phần tăng tính thanh khoản của loại trái phiếu này, qua đó tăng hấp dẫn với các TCTD trong việc bán nợ cho VAMC. Đây là điểm tích cực thúc đẩy xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

NĐ 34 còn cho phép VAMC có thể phát hành trái phiếu đặc biệt với thời hạn tối đa không quá 10 năm trong trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của TCTD đang thực hiện tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính. Theo ông Keith Pogson - Lãnh đạo cấp cao Dịch vụ Tài chính Ngân hàng Ernst & Young châu Á - Thái Bình Dương, so với việc buộc tất cả các TCTD phải trích lập dự phòng trong vòng 5 năm, mỗi năm 20% như trước kia, quy định mới này sẽ góp phần giảm gánh nặng về trích lập dự phòng rủi ro với các TCTD, giúp các TCTD vừa có thể có thêm nguồn thanh khoản trong hoạt động, lợi nhuận không bị ảnh hưởng quá nhiều mà vẫn giảm được nợ xấu, từ đó tăng thêm động lực để bán nợ xấu cho VAMC.

Bên cạnh đó, NĐ 34 đã “gỡ khó” cho VAMC trong trong quá trình xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với khoản nợ đã mua trên cơ sở sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Chẳng hạn, để đảm bảo sự công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian đấu giá tài sản và góp phần giải phóng nợ xấu đã mua nhưng chưa được xử lý, NĐ 34 cho phép nếu đấu giá một lần không thành, VAMC có thể lựa chọn đấu giá tiếp hoặc thỏa thuận bán tài sản cho bên mua sau khi thông báo cho bên có tài sản.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Theo thống kê, VAMC đã mua được trên 137.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng đến nay mới chỉ thu về hơn 6.100 tỷ đồng, tương đương xử lý được khoảng 4,5%. Theo các chuyên gia, mặc dù quyền hạn của VAMC đã được mở rộng hơn tại  NĐ 34 nhưng để có thể giải quyết những khoản nợ xấu đang tồn đọng tại VAMC, khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ cần tiếp tục được hoàn thiện hơn.

Việc triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường được các chuyên gia nhận định còn gặp nhiều thách thức trong định giá tài sản hay trong các quy định pháp luật liên quan đến tiến hành khởi kiện những khoản nợ mất khả năng thanh toán. Do đó, bên cạnh việc tăng thêm quyền hạn cho VAMC theo NĐ 34, tính hiệu lực của việc thực thi các bản án của tòa án cần được nâng cao hơn mới có thể tháo gỡ triệt để những khúc mắc trong quá trình xử lý nợ xấu.

Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường, cần có thêm nhiều quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như quy định về trách nhiệm của khách hàng trong việc trả nợ cho VAMC hoặc tự nguyện bàn giao tài sản để VAMC tổ chức đấu giá.  

Việc hoàn thiện thị trường mua bán nợ cần có sự tham gia của các bên liên quan nhưng hiện nay VAMC gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho các khoản nợ khi số DN có đủ điều kiện và khả năng mua nợ xấu không nhiều. Bên cạnh đó, việc thu hút dòng vốn ngoại để xử lý nợ xấu cũng chưa có tiến triển mặc dù trước đó, VAMC đã tiếp xúc với 20 nhà đầu tư để bàn thảo. Để khuyến khích các nhà đầu tư mua nợ xấu, theo các chuyên gia, điều quan trọng là phải tạo ra thị trường mua bán nợ minh bạch trên cơ sở tiếp tục khơi thông các rào cản pháp lý khác, đặc biệt là các quy định liên quan đến tài sản thế chấp, phát mại tài sản hay quyền sở hữu tài sản.

NGỌC MAI


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201