Thứ Ba, 30/4/2024 - 05:00:01 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập: Sẽ tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách

THỨ TƯ, 11/04/2018 08:35:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Gần đây, triển khai tinh thần của Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các nghị quyết, trong đó có những chỉ đạo cụ thể về việc sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Cùng với đó, không ít Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện chủ trương này và đạt được những kết quả nhất định.

Bộ, ngành, địa phương quyết liệt tinh giản biên chế 

Một trong những Bộ đã nỗ lực sắp xếp bộ máy, giảm số lượng các đầu mối, cục, vụ, ĐVSNCL chính là Bộ Công Thương. Thời gian qua, Bộ này đã cắt giảm được 5 đầu mối, từ 35 vụ, cục và tương đương xuống còn 30 đầu mối, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 ĐVSNCL. 

Không chỉ có các Bộ, ngành, nhiều địa phương cũng đã quyết liệt thực hiện chủ trương này. Đơn cử, trong 1 năm qua, cùng với việc cắt giảm số lượng phòng, ban thuộc các sở, các ĐVSNCL của TP. Hà Nội cũng được sắp xếp lại, đã giảm từ 607 đơn vị xuống còn 217. Đáng lưu ý, vào cuối tháng 3 vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ các ĐVSNCL trong từng ngành, từng lĩnh vực để sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động. Cụ thể, các chức danh kế toán và y tế học đường tại các trường mầm non sẽ được rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế. Mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng bao gồm: y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác. Trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông sẽ được hợp nhất…

Bên cạnh Hà Nội, năm 2017, tỉnh Hòa Bình cũng đã sáp nhập: 10 bệnh viện đa khoa huyện với trung tâm y tế, giảm 10 đầu mối tổ chức; 51 trường tiểu học và trung học cơ sở, trường mầm non thành 25 trường, giảm 26 đầu mối tổ chức. Trong giai đoạn 2015-2017, địa phương này đã tinh giản được 905 biên chế, riêng năm 2017 tinh giản 524 người…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhiều ĐVSNCL trên cả nước vẫn chưa được cấp trên phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức. Do vậy, không ít cơ quan vẫn dựa vào biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Số biên chế “tiết kiệm được” ở một số đơn vị thực chất là do chưa xác định được vị trí việc làm hoặc do chưa tuyển dụng được nhân sự. Nhiều cán bộ, công chức phải kiêm nhiệm dẫn đến không đảm bảo hiệu quả công việc…

Đổi mới cách thức quản lý, xóa bỏ cơ chế xin - cho 

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, không kể lực lượng công an, quân đội, nước ta có khoảng 4 triệu người hưởng lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương, trong đó có khoảng 2,5 triệu viên chức đang làm việc tại 58.000 ĐVSNCL. Theo tính toán sơ bộ, nếu trong năm 2018, các ĐVSNCL thực hiện được mục tiêu sắp xếp, tinh giản biên chế thì NSNN sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, ngày 24/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Theo đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) ĐVSNCL và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2015.

Đồng thời, ngày 13/02 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-TTg về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; trong đó nêu rõ: tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị này và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với số giao năm 2015.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu trên, góp phần tinh giản bộ máy, tiết kiệm cho NSNN, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần quản lý viên chức theo vị trí việc làm, bố trí nhân sự hợp lý, khoa học và điều quan trọng là phải xóa bỏ cơ chế xin - cho biên chế. 

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Nguyễn Trường Giang đề xuất: Nhà nước không giao biên chế và kinh phí theo biên chế cho các ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Chi phí lao động đối với các đơn vị này được tính trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật và kết cấu trong giá dịch vụ. Cơ quan quản lý chỉ giao biên chế đối với các ĐVSNCL có vai trò phục vụ công tác quản lý nhà nước trên cơ sở xác định số lượng, nhu cầu và phân loại viên chức theo vị trí việc làm. Cơ chế xác định và giao biên chế cần được đổi mới theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các ĐVSNCL do NSNN đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Đồng thời, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các ĐVSNCL theo từng ngành, lĩnh vực. 

Được biết, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của ĐVSNCL. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ trì cùng các Bộ, ngành xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL trong các lĩnh vực. Việc sớm ban hành đầy đủ khung pháp lý này sẽ tạo thuận lợi trong việc giao quyền tự chủ và đảm bảo cho các ĐVSNCL hoạt động ổn định, hiệu quả.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201