Thứ Bảy, 20/4/2024 - 06:40:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

THỨ TƯ, 06/03/2019 09:10:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Sau khi có văn bản chỉ đạo các ngân hàng về việc cho vay thu mua thóc gạo vụ Đông- Xuân 2019, ngày 4/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lại ban hành văn bản số 1289/NHNN-TD về việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, DN phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, góp phần ổn định giá lúa gạo.

Tăng cường cho vay trung và dài hạn, xem xét giảm lãi suất

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Hội nghị ngành ngân hàng cho vay thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa, gạo Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được tổ chức trong ngày 26/2/2019 tại tỉnh Đồng Tháp, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo nghị định của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của NHNN về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, lãnh đạo các NHTM chỉ đạo các chi nhánh NHTM tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo cân đối, ưu tiên tập trung bố trí đủ vốn cho vay trên tinh thần hỗ trợ các DN để có thêm nguồn vốn kịp thời thu mua tạm trữ, chế biến, xuất khẩu lúa, gạo Vụ Đông - Xuân 2019 nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định giá bán hợp lý cho nông dân; chủ động làm việc trực tiếp với các DN thu mua, xuất khẩu lúa, gạo để có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vay vốn.
 

NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay thu mua lúa gạo- Ảnh: ST

Đáng chú ý, theo chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cần tăng cường cho vay trung, dài hạn để hỗ trợ DN củng cố, mở rộng diện tích kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, nghiên cứu triển khai sản phẩm tín dụng cho vay lúa gạo, linh hoạt kỳ hạn cho vay phù hợp chu kỳ kinh doanh của các DN sản xuất kinh doanh lúa, gạo, góp phần giúp các DN nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN về trần lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho các DN thu mua tạm trữ lúa, gạo Vụ Đông- Xuân 2019. Các NHTM có vốn nhà nước chủ động đi đầu hạ lãi suất cho vay xuống mức 6%/năm; tiếp tục xem xét cho vay ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn bằng ngoại tệ của các DN sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN.

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của DN thu mua lúa, gạo theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN; tổ chức ngay các buổi kết nối ngân hàng- DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của từng DN, từ đó kịp thời có giải pháp cụ thể tháo gỡ cho các DN. Bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua lúa, gạo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Các ngân hàng tích cực vào cuộc

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc cho vay thu mua thóc gạo vụ Đông- Xuân năm 2019, nhiều ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn vốn hỗ trợ đối với lĩnh vực lúa gạo. Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh chủ động cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng đủ tất cả nhu cầu vay vốn của DN phục vụ thu mua, chế biến xuất khẩu lúa gạo. Vietcombank sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng cho vay các nhu cầu thu mua lúa gạo; tăng cường làm việc với các DN, đẩy mạnh giải ngân. “Vietcombank chia sẻ khó khăn với DN, nông dân với 3 “không”: không lợi nhuận trong cho vay, không lợi nhuận trong thanh toán, không lợi nhuận trong mua bán ngoại tệ cho DN xuất khẩu lúa gạo”- ông Thành khẳng định.

Tương tự, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), với gần 70% tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn, ông Trịnh Ngọc Khánh- Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngân hàng đã chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thiện các phương thức cho vay, tăng hiệu quả cho vay của các tổ, nhóm; cân đối nguồn vốn cho các chi nhánh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng đủ vốn vay cho DN, hợp tác xã và người dân.

Cùng với các NHTM Nhà nước, khối ngân hàng cổ phần cũng tích cực vào cuộc. Ông Dương Công Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng cho biết, hiện nay ngân hàng này đang cho vay khoảng 15.000 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Để hỗ trợ các DN tiếp cận vốn, thời gian tới Sacombank cũng sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm để tiếp tục cung ứng vốn cho các DN thu mua lúa gạo. Sacombank cũng chỉ đạo các chi nhánh, cung cấp thông tin đại diện lãnh đạo ngân hàng để giải quyết các nhu cầu vốn của DN, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho người dân trong tiếp cận vốn sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201