(BKTO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020. Tuy nhiên, việc triển khai ETC khó bảo đảm theo lộ trình đề ra nếu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan không quyết liệt xử lý dứt điểm các “nút thắt” đang tồn tại.
Chậm trễ trong việc triển khai Dự án ETC trên toàn quốc. Ảnh tư liệu
Nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm
Dự án triển khai ETC tại các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được Bộ GTVT thực hiện từ tháng 11/2014. Theo lộ trình đặt ra, đến hết năm 2018, tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí theo hình thức ETC; hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên, Dự án này liên tục “trễ hẹn”. Nguyên nhân được Bộ GTVT đưa ra là doanh thu hoàn vốn cho Dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm; việc đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa nhà đầu tư BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ ETC chưa có sự thống nhất; số lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động (thẻ E-tag) và nộp tiền vào tài khoản để tham gia dịch vụ thu phí ETC chưa cao...
Ngoài những nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia giao thông đã thẳng thắn chỉ ra, nguyên nhân căn bản nhất khiến Dự án ETC liên tục “trễ hẹn” là xuất phát từ Bộ GTVT. Ban đầu, Bộ này đã không nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để nhận ra những khó khăn của hình thức ETC khi triển khai Dự án. Đến khi bắt tay vào triển khai, những bất cập ngày một lộ rõ thì Bộ GTVT lại tỏ ra lúng túng trong việc đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, trong quá trình triển khai Dự án ETC, Bộ GTVT đã thể hiện không đúng vai trò của mình. Đúng ra, với vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần đứng ngoài để đưa ra những quy định cụ thể làm quy chuẩn cho các đơn vị tham gia triển khai thực hiện thì cơ quan này lại “xắn tay” vào đàm phán với đơn vị lắp đặt ETC thay cho các nhà đầu tư BOT. Điều này không những không giúp tiến độ Dự án tiến nhanh hơn mà còn gây ra những bất đồng không nhỏ giữa các nhà đầu tư BOT với đơn vị cung cấp thiết bị ETC và với cả Bộ GTVT.
Cũng đề cập đến trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc chậm trễ thực hiện Dự án ETC, đầu tháng 01/2020, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án này, Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai hệ thống ETC hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra; Dự án ETC giai đoạn 1 (Dự án BOO1) và Dự án ETC giai đoạn 2 (Dự án BOO2) còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xử lý, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm. Đây là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai toàn hệ thống ETC, tạo dư luận xấu trong nhân dân....
Phải hoàn thành Dự án ETC trong năm 2020
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, Bộ GTVT cần mở rộng hơn nữa nhà cung cấp dịch vụ theo hướng cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi cho cả người dân và nhà đầu tư; đồng thời, Bộ cần chủ động với vai trò là người “cầm cân nảy mực” trong việc đốc thúc đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Được biết, hiện nay, Bộ GTVT đã có những động thái tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ Dự án ETC, như: đưa những nhà đầu tư BOT chậm thực hiện thu phí ETC và nhà cung cấp dịch vụ Dự án BOO1 vào diện giám sát đặc biệt. Nếu nhà đầu tư nào chậm ký phụ lục hợp đồng sẽ dừng thu phí. Đối với Dự án BOO2, Bộ yêu cầu nhà đầu tư cần tập trung, khẩn trương phối hợp cùng các cơ quan liên quan để được chấp thuận chủ trương và hoàn thiện thủ tục thành lập DN dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo như: ký hợp đồng tín dụng, lắp đặt, vận hành hệ thống. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng đối với việc thanh toán dịch vụ thu phí ETC; kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ E-tag.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án BOO2 diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ GTVT xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai hệ thống ETC, bảo đảm đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT cần chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xử lý tình huống trong đấu thầu đối với Dự án BOO2 trong điều kiện có sự thay đổi tỷ lệ tham gia vốn của các bên trong liên danh Nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp với nhà đầu tư các dự án BOT, Dự án BOO2 và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT thuộc phạm vi quản lý của địa phương hoàn thành các thủ tục liên quan trước ngày 30/6/2020 để nhà đầu tư Dự án BOO2 triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống ETC, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
LÊ HÒA