Thứ Bảy, 20/4/2024 - 08:01:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

RegTech, SupTech - Xu thế tất yếu nhưng việc triển khai còn nhiều thách thức

THỨ SÁU, 29/10/2021 21:15:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Giống như Fintech, RegTech, SupTech là xu thế tất yếu đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và cơ quan quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, giảm thiểu rủi ro, giúp thích ứng với bối cảnh số hóa sâu rộng và kỷ nguyên số. Tuy nhiên, việc triển khai SupTech, RegTech cũng có thể mang lại một số thách thức, rủi ro…

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet


Nhiều lợi ích từ SupTech, RegTech

Tại Tọa đàm khoa học trực tuyến với chủ đề “Kinh nghiệm triển khai RegTech, SupTech và các khuyến nghị đối với Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 28/10, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, đại dịch Covid 19 đã gây cú sốc lớn với nền kinh tế và hệ thống tài chính các quốc gia nhưng mặt khác, đại dịch tạo động lực thúc đẩy xu hướng đổi mới, áp dụng công nghệ, trong đó có SupTech, RegTech.

 
Theo BIS, việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, có tính sáng tạo, đột phá như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây để giúp các cơ quan quản lý, giám sát cải thiện khả năng giám sát được gọi là “SupTech”. Việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến của các tổ chức tài chính để đáp ứng quy định tuân thủ và đạt được các mục tiêu quản lý gọi là “RegTech”.
Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và Hội đồng Ổn định tài chính quốc tế (FSB), SupTech và RegTech có thể mang lại những lợi ích quan trọng đối với các cơ quan quản lý giám sát, các tổ chức tài chính và sự ổn định hệ thống tài chính.

Đối với các cơ quan quản lý, giám sát, sử dụng SupTech có thể giúp cải thiện khả năng theo dõi, phân tích rủi ro trên phạm vi rộng hơn, nhanh hơn (thậm chí theo thời gian thực) để hỗ trợ việc xây dựng chính sách, giám sát rủi ro.

Đối với các tổ chức tài chính được cấp phép, việc sử dụng RegTech có thể giúp cải thiện kết quả tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, tăng khả năng quản lý rủi ro và tạo ra những hiểu biết mới về hoạt động của tổ chức, từ đó nâng cao hiệu quả ra quyết định.

Cũng theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN, giống như Fintech, chuyển đổi số, RegTech, SupTech giúp các tổ chức tín dụng lẫn cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, giảm thiểu rủi ro, giúp thích ứng với bối cảnh số hóa sâu rộng và thách thức của kỷ nguyên số. RegTech, SupTech có tiềm năng tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và thực thi chế tài của cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ, tăng cường tính ổn định của thị trường tài chính…

Như vậy, SupTech và RegTech là cơ hội cần được cả cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức tài chính quan tâm sâu sắc.

Một số rủi ro, thách thức

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, những rủi ro và thách thức có thể phát sinh từ việc áp dụng SupTech và RegTech như: rủi ro không gian mạng, rủi ro liên quan đến việc sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, nguy cơ phụ thuộc quá mức vào các công cụ SupTech, RegTech…

Ông Lê Anh Dũng cho biết thêm, giống như Fintech, chuyển đổi số, RegTech, SupTech là xu thế tất yếu đối với cả các TCTD lẫn cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc triển khai SupTech, RegTech cũng có thể mang lại một số thách thức, rủi ro như: thiếu hụt nguồn nhân lực, hạn chế trong kiến thức công nghệ, rủi ro trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng các mô hình phân tích, dự báo với kết quả không rõ nguyên nhân.

Theo báo cáo của FSB vào tháng 10/2020, các nhà chức trách từ các quốc gia thành viên cũng báo cáo một loạt thách thức trong việc thiết kế và triển khai các chiến lược SupTech, RegTech bao gồm: các vấn đề xung quanh kỹ năng và nguồn cung ứng, chất lượng dữ liệu và những quan ngại xung quanh việc tích hợp, quản trị và giải trình trách nhiệm đối với việc sử dụng các công cụ SupTech, RegTech.

Ở Việt Nam, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã nêu nội hàm về phát triển Regtech tại các TCTD và Suptech tại NHNN.

Cụ thể, đối với Regtech, Kế hoạch yêu cầu: “Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng: phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình, trải nghiệm khách hàng; phát hiện gian lận, lưu trữ thông tin, phân tích dữ liệu; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, tiết giảm chi phí và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua trợ lý ảo, robot”.

Còn đối với Suptech, Kế hoạch yêu cầu: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ của NHNN.”

Tại Việt Nam, triển khai, áp dụng Suptech và RegTech là vấn đề mới, chưa có nhiều nghiên cứu sâu. Chính bởi vậy, yêu cầu đặt ra là cần trao đổi và học hỏi kinh nghiệm ứng dụng tại các quốc gia, từ đó có những giải pháp, lộ trình triển khai hợp lý, khả thi đối với việc phát triển RegTech và SupTech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam./.

THÀNH ĐỨC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201