Thứ Sáu, 29/3/2024 - 17:38:28 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quyết liệt hơn với xử lý nợ xấu

THỨ TƯ, 25/11/2020 11:01:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Các bên liên quan phải rốt ráo thực hiện giúp các ngân hàng sớm thu hồi nợ như cơ quan an ninh địa phương hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, các tòa án áp dụng thủ tục ngắn gọn; sớm thành lập thị trường mua bán nợ và có cơ quan cầm chịch vận hành thị trường này.


Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.
 

Áp lực nợ xấu gia tăng

Dịch bệnh Covid-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng (TCTD); ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại. Theo dự báo của giới chuyên môn, một số mục tiêu tại Đề án 1058 về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 khó có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2020, trong đó có mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của các ngân hàng niêm yết cho thấy, nợ xấu đã tăng khoảng 30%. Dự kiến cả năm nay, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống sẽ ở mức 3% và năm tới có thể sẽ còn tăng do độ trễ tác động của nền kinh tế tới lĩnh vực ngân hàng. “Nợ xấu năm tới có thể sẽ lên tới 3,5-4%”, TS. Cấn Văn Lực dự báo.

Báo cáo chiến lược tháng 11 của CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng thống kê nợ xấu của 17 NHTM niêm yết đến cuối tháng 9 tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì dưới 2%, song một phần cũng vì không ít các khoản nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ vẫn được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Bởi thế, nếu không có Thông tư 01, nợ xấu của các ngân hàng có thể còn tăng cao hơn.

Tuy nhiên cũng có trường hợp nợ xấu tăng là do các ngân hàng chủ động mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý. Theo đó, đến nay đã có 19 ngân hàng tất toán xong nợ xấu tại VAMC, bao gồm: Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, KienLongBank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank và cái tên mới nhất là VietinBank. Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng có thể tất toán được toàn bộ nợ xấu tại VAMC vì trong thời gian qua ngân hàng đã tập trung xử lý, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ từ các nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xử lý công nợ, hàng tồn kho và tài sản của khách hàng có khoản nợ.

Tuy nhiên không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh nợ xấu của các ngân hàng. Trước thực trạng nợ xấu có xu hướng tăng nhanh, giới chuyên môn cho rằng, nhiệm vụ duy trì nợ xấu dưới 3% là rất thách thức đối với các ngân hàng. Song các TCTD vẫn sẽ phải nỗ lực, bởi tỷ lệ nợ xấu là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng chính sách, mục tiêu hoạt động khác của nhà băng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng nên thay đổi quan điểm trong xử lý nợ xấu. Một mặt tích cực xử lý nợ xấu hiện tại, mặt khác cần phải có biện pháp chấn chỉnh hoạt động tín dụng cho phù hợp hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Muốn vậy, theo khuyến nghị của vị chuyên gia này, trong xét duyệt tín dụng, các ngân hàng phải phân tích nguồn tiền trả nợ của khách hàng là dòng tiền kinh doanh, thu nhập lương... thay vì chỉ tập trung vào TSBĐ. Hai là, đẩy mạnh hoạt động giám sát thanh tra các ngân hàng một cách chặt chẽ hơn. Đồng thời phải áp dụng chuẩn mực quốc tế theo mô hình CAMELS trong hoạt động thanh tra các ngân hàng. “Khi các ngân hàng được đánh giá theo tiêu chuẩn này, họ sẽ xác định vị trí của họ như thế nào tốt hay chưa tốt để quản lý hoạt động nhất là quản lý rủi ro để chấn chỉnh lại hoạt động an toàn hiệu quả, hạn chế nợ xấu phát sinh”, TS. Hiếu chia sẻ thêm về ý nghĩa của áp dụng CAMELS.

Cần nghiêm túc triển khai Nghị quyết 42

Với ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế, cùng với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, các ngân hàng thúc đẩy xử lý nợ xấu thông qua nhiều giải pháp như đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Hàng loạt tài sản thế chấp của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp từ ôtô, máy móc thiết bị, nhà xưởng, đến các lô bất động sản trị giá từ vài tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng… đã và đang được rao bán.

Tuy nhiên, hoạt động thu hồi nợ nhất là xử lý TSBĐ của các ngân hàng đang ngày càng khó khăn do giá trị tài sản bị suy giảm, nhất là nhiều khách hàng đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các TCTD khiến cho quá trình XLNX càng khó khăn.

“Xử lý TSBĐ tại Việt Nam rất phức tạp do các quy định chồng chéo, rườm rà khiến cho thời gian xử lý một khoản nợ luôn bị kéo dài. Ngay cả khi Nghị quyết 42 cho phép ngân hàng được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ ban đầu ai cũng nghĩ dễ làm. Nhưng vì quy định chưa rõ ràng nên các bên liên quan như Tòa án tỏ ra rất thận trọng không thể đưa ra phán quyết nhất là liên quan đến vụ việc tranh chấp phức tạp. Điều này cần khắc phục trong thời gian tới”, TS. Hiếu nhận xét.

Với áp lực nợ xấu ngày càng lớn, giới chuyên môn cho rằng, các quy định tại Nghị quyết 42 cần phải được triển khai quyết liệt nghiêm túc hơn nữa bởi hiệu lực của Nghị quyết này không còn nhiều. Do vậy, các bên liên quan phải rốt ráo thực hiện giúp các ngân hàng sớm thu hồi nợ như cơ quan an ninh địa phương hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, các tòa án áp dụng thủ tục ngắn gọn; sớm thành lập thị trường mua bán nợ và có cơ quan cầm chịch vận hành thị trường này.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến sự quyết liệt cao hơn của các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải coi đây là việc chung của toàn nền kinh tế, hệ thống chính trị chứ không phải việc riêng của ngân hàng. Nếu không nợ xấu cứ chùng chình, không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu nợ xấu mà còn lớn hơn tái cấu trúc, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Trên cơ sở các giải pháp, chính sách quy định tại Đề án 1058, Nghị quyết 42 và thực trạng hoạt động của hệ thống các TCTD, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; rà soát việc phân loại nợ, đảm bảo phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. NHNN chỉ đạo TCTD chủ động phối hợp chặt chẽ đơn vị liên quan, cơ quan thi hành án để phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có liên quan trong việc xử lý, thu hồi nợ vay của các TCTD theo quy định pháp luật...

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201