Thứ Sáu, 26/4/2024 - 00:20:42 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quản trị dữ liệu - vấn đề sống còn của các ngân hàng

THỨ HAI, 26/10/2020 16:15:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Ngân hàng là một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn và cũng là ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy, quản trị dữ liệu (QTDL) thông minh trở thành vấn đề sống còn của các nhà băng hiện nay.


Theo khảo sát của NHNN, 50% các ngân hàng đã xây dựng được kho dữ liệu tập trung. Ảnh: P.Tuân

Ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu 

Kết quả khảo sát của PwC Việt Nam vào cuối năm 2019 với 33 đại diện lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Việt Nam cho biết, 88% câu trả lời đồng ý rằng QTDL là nền tảng cơ sở để các nhà băng cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích nâng cao.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc các ngân hàng QTDL thông minh sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc làm này còn giúp ngân hàng nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường, đảm bảo hiệu quả hơn trong hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm tra giám sát tuân thủ. Thông qua QTDL, ngân hàng hiểu rõ hơn về khách hàng; phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng tức thì nhu cầu của khách hàng; cá nhân hóa giao tiếp với khách hàng, gia tăng khối lượng khách hàng. 

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều ngân hàng đã quan tâm, coi trọng việc xây dựng, QTDL, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Theo khảo sát tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro...
 
Thực tế, một số ngân hàng đã thành lập các bộ phận quản lý dữ liệu chuyên biệt hoặc đã có giải pháp công nghệ để thực hiện quản lý dữ liệu hiệu quả. Điển hình là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thành lập Trung tâm Ngân hàng số cuối năm 2019 và đang chuẩn bị thành lập Trung tâm Phân tích kinh doanh và quản lý dữ liệu; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) thành lập Hội đồng Quản lý dữ liệu từ năm 2019 và thực hiện Dự án Kho dữ liệu DN…

Tuy nhiên, NHNN thừa nhận, quá trình xây dựng hệ thống QTDL cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức như: có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng...

Mặt khác, theo các chuyên gia, phần lớn các ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai QTDL toàn ngân hàng. Việc coi dữ liệu là “tài sản chiến lược” cũng chưa được định hình rõ nét, dẫn đến chưa hình thành được văn hóa sử dụng dữ liệu trong hoạt động kinh doanh.

Khảo sát của PwC năm 2019 cũng cho thấy, chưa đến một nửa số ngân hàng có chính sách và quy trình quản lý dữ liệu toàn diện hay quy định vai trò của các bên có liên quan đến dữ liệu. Hơn 66% trong số 33 lãnh đạo của các ngân hàng cho biết quy định các tiêu chí đánh giá để đo lường chất lượng dữ liệu chưa được vận hành. Chỉ 18% ngân hàng đã xây dựng kiến trúc công nghệ (nền tảng, công cụ…) để hỗ trợ quản lý dữ liệu toàn diện.

Quản trị dữ liệu thông minh, ngân hàng và cơ quan quản lý cùng vào cuộc

Tổ chức Gartner dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục Bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu được coi như những tài sản quan trọng. Vì vậy, việc ý thức rằng dữ liệu là tài sản chiến lược, có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh, cần được quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ. Yêu cầu về QTDL thông minh trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự vào cuộc từ nhiều phía. 

Về phía các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - đề xuất: Cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và thông tin; thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt (điện toán đám mây); xây dựng tổ chức - bộ máy, chuyên gia công nghệ thông tin và quản lý, phân tích dữ liệu; ban hành chính sách, quy trình quản lý và khai thác dữ liệu; tăng chất lượng nhân sự công nghệ thông tin (bao gồm cả quản lý rủi ro công nghệ, an ninh mạng)… Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, ngân hàng là mục tiêu tấn công của các loại tội phạm; dữ liệu, thông tin của ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn rủi ro có thể gây ra tổn thất lớn, vì thế, các nhà băng phải đặc biệt coi trọng tính an toàn. 

Đáng lưu ý, hiện nay, các ngân hàng khá cởi mở trong việc chia sẻ dữ liệu với nhau hoặc với bên thứ ba cung cấp dịch vụ. Lợi ích từ mở dữ liệu là rất lớn song rủi ro cũng nhiều. Do đó, “sau khi xây dựng hạ tầng dữ liệu, các ngân hàng phải có chính sách phân loại dữ liệu và áp dụng chính sách riêng với từng loại theo các cấp độ: bảo mật, tuyệt mật, riêng tư, chia sẻ” - Giám đốc Dữ liệu VietinBank Trần Hồng Thắng khuyến nghị.

Để hoạt động chia sẻ dữ liệu được tường minh nhưng vẫn đảm bảo an toàn, việc xây dựng chính sách quản lý dữ liệu phù hợp cần phải được lưu tâm. Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Lê Anh Dũng kiến nghị: Chính phủ nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu người dùng nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ về quản lý dữ liệu toàn nền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó thúc đẩy phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, tạo thuận lợi cho việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu cá nhân. NHNN nghiên cứu, đề ra định hướng ngân hàng mở, xác định mô hình ngân hàng mở phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, trên cơ sở đó ban hành những quy định, hướng dẫn hoặc đưa ra khuyến nghị thích hợp…

THÀNH ĐỨC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201