Thứ Năm, 25/4/2024 - 02:40:47 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện

THỨ HAI, 21/09/2020 08:55:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Chiến lược tài chính toàn diện (TCTD) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể như: người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Để thực hiện các mục tiêu này, qua đó góp phần thúc đẩy TCTD, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.


Các ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy TCTD. Ảnh: P.Tuân

Tài chính toàn diện - trụ cột quan trọng của phát triển bền vững

Tài chính toàn diện là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu nhằm góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của mỗi quốc gia. 

Vai trò của TCTD đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu. Minh chứng là, Liên Hợp Quốc xác định TCTD là một giải pháp quan trọng để đạt 7/17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; nhóm G20 coi TCTD là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009; các nước ASEAN cũng xác định TCTD là 1 trong 3 trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về TCTD từ năm 2016. Đến nay, hơn 60 nước đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược TCTD quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy TCTD. 

Tại Việt Nam, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hợp tác cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới xây dựng một chiến lược quốc gia về TCTD, trong đó chú trọng thúc đẩy TTKDTM trên nền tảng công nghệ; cung cấp dịch vụ tài chính tới vùng nông thôn và vùng cao. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách hướng đến đối tượng của TCTD như: hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở những vùng khó khăn… 

Đặc biệt, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát: “Mọi người dân và DN đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”. Trên cơ sở đó, Chiến lược đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được vào cuối năm 2025 như: ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch TTKDTM đạt tốc độ tăng 20 - 25% hằng năm...

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhận định: Việc ban hành và thực hiện Chiến lược TCTD quốc gia sẽ là bước tiến quan trọng nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời hướng tới mục tiêu toàn diện, mở rộng hơn cho nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vững của hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. 

Thúc đẩy tài chính toàn diện là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng

Để sớm hoàn thành các mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về TCTD và giao NHNN là cơ quan thường trực giúp việc. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp về TCTD; giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, kiểm tra hoạt động TCTD và thực hiện Chiến lược TCTD quốc gia. Trước đó, ngày 24/7/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược này. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành ngân hàng từ nay đến năm 2030. 

Trên tinh thần đó, tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ nội dung Chiến lược, lồng ghép nội dung này vào Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng một cách phù hợp, hiệu quả; thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra…

Để góp phần phổ cập TCTD, theo bà Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), ngành ngân hàng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính…

Nhấn mạnh xu thế hiện nay đang hướng tới ngân hàng không chi nhánh, giao dịch viên thành tư vấn viên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, có 3 nội dung phải xử lý là: eKYC (xác thực điện tử), điện toán đám mây, tín dụng cho khách hàng cá nhân. Do đó, NHNN cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý có liên quan trên cơ sở bám sát các nội dung này. 

Trên thực tế, thời gian vừa qua, các ngân hàng đã có nhiều việc làm thiết thực để thúc đẩy TCTD như: thành lập các chi nhánh, không ngừng mở rộng độ bao phủ tại các địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ thủ tục cho khách hàng, đa dạng các kênh phân phối, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, DN tiếp cận sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng; đầu tư và mở rộng cả về quy mô và chất lượng hạ tầng thanh toán; đẩy mạnh TTKDTM; ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử đa dạng… Việc thực hiện các giải pháp này cũng như triển khai tốt Kế hoạch hành động nêu trên sẽ giúp ngành ngân hàng hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược TCTD quốc gia.

THÀNH ĐỨC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201