Thứ Năm, 25/4/2024 - 22:35:28 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngân hàng giảm lãi suất: Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

THỨ HAI, 12/08/2019 08:55:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt công bố quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng nhằm tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2019.

Tập trung giảm lãi suất vay đối với lĩnh vực ưu tiên

Theo công bố của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ ngày 01/8 đến 31/12/2019, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và start-up.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn từ ngày 01/8 đến hết 31/12/2019 cho các nhu cầu vốn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định là đem lại lợi ích tổng thể phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng quyết định giảm 0,25 - 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên so với mặt bằng hiện tại (thấp hơn 0,75 - 1%/năm so với trần quy định của NHNN) và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm về mức 5,5%/năm (thấp hơn 1%/năm trần quy định của NHNN) đối với 3 nhóm khách hàng ưu tiên gồm: kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ kinh doanh DN ứng dụng công nghệ cao. Các đối tượng còn lại thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 6%/năm (thấp hơn 0,5%/năm so với trần quy định của NHNN). Bên cạnh đó, kể từ ngày 01/8 đến 31/12/2019, BIDV triển khai 2 gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Trong đó, gói tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa với quy mô 60.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngắn hạn dành cho DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng.

 Bên cạnh các ngân hàng lớn, nhóm ngân hàng TMCP cũng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi cho vay với lãi suất thấp. Điển hình như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm kể từ ngày 01/8/2019. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng triển khai 2 gói cho vay ngắn hạn VND ưu đãi, gồm: gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7 - 7,5%/năm đối với DN nhỏ và vừa. Sau ngày 01/8/2019, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho DN nhỏ và vừa với mức lãi suất giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại đối với những khách hàng nằm trong các chương trình kinh doanh trọng tâm của Techcombank.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này là hành động thiết thực của các ngân hàng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN là hỗ trợ thị trường, hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo đúng định hướng là tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh ưu tiên của NHNN. Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc 4 ngân hàng lớn đồng loạt hạ lãi suất từ ngày 01/8 và thời gian tới các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại xuất phát từ nhu cầu của khách hàng và sự chia sẻ của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế. Như tại Vietcombank, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Ngân hàng. Để có thể từng bước giảm lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nền kinh tế, ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro. Ước tính, chỉ riêng tại Vietcombank, sẽ có khoảng 400 tỷ đồng chi phí vay vốn của DN được giảm thiểu từ chính sách trên. 

Theo lãnh đạo Vietinbank, giá trị chiều sâu của đợt giảm lãi suất này không chỉ nằm ở con số mà ở mục tiêu chung của các ngân hàng là tăng cường hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy kinh tế và tăng trưởng GDP nửa cuối năm 2019. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được thúc đẩy, kinh tế tăng trưởng tốt thì đây là lợi ích chung, ngân hàng cũng hưởng lợi từ mục tiêu chung này.

Đặc biệt, do có sự tham gia của các ngân hàng TMCP tư nhân cùng với khối ngân hàng thương mại nhà nước nên đợt giảm lãi suất lần này được nhận định là giá trị và hiệu ứng sẽ mở rộng hơn hồi đầu năm. Qua thống kê sơ bộ của NHNN, thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại cho đến nay đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay nêu trên đã chiếm khoảng 57% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201