Thứ Bảy, 20/4/2024 - 07:39:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Giám sát chặt chẽ việc tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

THỨ TƯ, 20/02/2019 08:45:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: NHNN luôn dành sự ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo Đề án 1058 của Chính phủ và Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Những kết quả tích cực

Theo NHNN, việc Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã  tạo cơ sở pháp lý để toàn ngành ngân hàng quyết liệt triển khai các giải pháp tái cơ cấu hệ thống TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém; đẩy mạnh xử lý nợ xấu và các khoản nợ nguy cơ tiềm ẩn trở thành nợ xấu…

Trong năm 2018, NHNN đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tự phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại, theo dõi, kiểm tra kết quả xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng của từng TCTD để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh và hỗ trợ các TCTD tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các ngân hàng thương mại được Nhà nước mua lại, các ngân hàng thương mại yếu kém đang trong quá trình củng cố, chấn chỉnh, các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, có sai phạm và các TCTD có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%.

Theo đó, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần, quy mô và hiệu quả hoạt động tiếp tục được nâng cao; năng lực quản trị điều hành từng bước tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống tiêu chí giám sát, chủ động cảnh báo sớm và xử lý kiên quyết các rủi ro, sai phạm của các TCTD. Đặc biệt, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được một bước tiến quan trọng. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%.

Từ những nỗ lực trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng đã gặt hái thành quả ấn tượng. Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), kết thúc năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Ngân hàng này chỉ ở mức 1,51%, giảm tới 4,29% so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu. Riêng năm 2018, Ngân hàng đã thu hồi nợ sau xử lý rủi ro và nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) lên tới 11.936 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao. Còn kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, Ngân hàng này thu hồi nợ xấu và nợ sau xử lý đạt 89.822 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 đạt 66.789 tỷ đồng. Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), năm 2018, tổng tài sản của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng và đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,97%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; lợi nhuận trước thuế đạt gần 18.400 tỷ đồng, tăng trưởng trên 63,5% so với năm 2017.

Tăng cường xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng

Từ những kết quả đạt được, định hướng của NHNN trong năm 2019 là tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD. Theo đó, NHNN sẽ tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến các giải pháp xử lý nợ xấu liên quan đến thu giữ tài sản, nhất là tài sản của các khoản nợ tồn đọng để xử lý nhanh nợ xấu. Đồng thời, phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững. Trong năm 2019, VAMC đặt mục tiêu mua nợ theo giá thị trường khoảng 4.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xử lý xong nợ xấu các TCTD bán cho VAMC.

Cùng với đó, ngành ngân hàng sẽ tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa các khoản nợ xấu phát sinh và vượt tầm kiểm soát của hệ thống ngân hàng. Đại diện lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, vấn đề nợ xấu luôn đồng hành với hoạt động ngân hàng, tuy nhiên, để kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo an toàn cho hệ thống là một trong những hoạt động trọng tâm. Các chính sách về tiền tệ, các hoạt động thanh toán hay các vấn đề tín dụng của các ngành kinh tế phải luôn có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo được tỷ lệ nợ xấu đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra - phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.

Một giải pháp khác là NHNN đang trình Chính phủ dự thảo quy định liên quan đến nhiệm vụ và trách nhiệm của các Bộ, ngành để cùng với NHNN triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian tới, nhằm phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại trong quá trình thực hiện, nhất là vấn đề liên quan đến thu giữ tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng cường chỉ đạo các TCTD trong quá trình hoạt động đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đối với những lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cho vay vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời tiết giảm những chi phí không cần thiết để tạo điều kiện cho trích lập dự phòng rủi ro nhằm xử lý nhanh các khoản nợ xấu, giúp giảm chi phí cho khách hàng.

ĐĂNG KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201