Thứ Bảy, 20/4/2024 - 19:35:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều "rào cản" khi tham gia đấu thầu mua sắm công

THỨ SÁU, 17/06/2022 21:10:38 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu mua sắm công tại địa phương. Hơn nữa, DN còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan.

Đây là một trong những phát hiện chính của báo cáo nghiên cứu được công bố tại Hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của DN” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 16/6.
 

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN


Nhiều khó khăn “cản” doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ, đối với chi tiêu, mua sắm công, đấu thầu là công cụ quan trọng giúp Nhà nước sử dụng các nguồn vốn NSNN hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, đấu thầu mua sắm công khi tiến hành một cách hiệu quả, đúng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch sẽ góp phần rất lớn tạo ra động lực cho sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, kết quả khảo sát từ 9.221 DN do VCCI và UNDP thực hiện cho thấy, DN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu mua sắm công tại địa phương.

Thông tin cụ thể hơn, ông Trương Đức Trọng - Ban Pháp chế VCCI, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, những khó khăn mà DN thường gặp nhiều nhất bao gồm: thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, bên mời thầu đưa ra tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, các tiêu chí phụ đôi khi không thỏa đáng, khó/không mua được hồ sơ mời thầu. Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các DN tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập.
 

Ông Trương Đức Trọng - Ban Pháp chế VCCI, thành viên nhóm nghiên cứu trình bày kết quả khảo sát. Ảnh: D.THIỆN


Trong khi đó, DN vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những DN lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy dường như các DN lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các DN mới thành lập.

Theo ông Trọng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến DN lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là do họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp.

Bên cạnh đó còn có một số lý do như chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư và việc xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước…

Cần sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong hoạt động đấu thầu

Theo nhóm nghiên cứu, một trong những vấn đề gây “nhức nhối” nhất trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, đó là tình trạng DN phải chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu còn khá phổ biến.

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, có tới gần 35% DN cho biết sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Tỷ lệ DN sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để đảm bảo trúng thầu có mối quan hệ mật thiết với độ mở của hình thức lựa chọn nhà thầu mà DN tham gia.

Trong đó, đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu có ít nhà thầu tham gia như đấu thầu hạn chế hay chỉ định thầu, tỷ lệ DN sẵn sàng chi “hoa hồng” để có mặt trong danh sách nhà thầu cũng như để tăng khả năng trúng thầu là cao hơn.

Ngược lại, với các hình thức lựa chọn nhà thầu có nhiều nhà thầu tham gia như chào hàng cạnh tranh hay đấu thầu rộng rãi, tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả “hoa hồng” thấp hơn, do loại hình này mang tính chất cạnh tranh và không hạn chế nhà thầu tham gia.

Cũng theo kết quả khảo sát, trong năm 2021, có 25,5% DN cho biết đã chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu, trong đó khoảng 10,3% DN cho biết do cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư gợi ý. Đáng lưu ý hơn, có tới 58,9% DN cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là “luật bất thành văn” mà DN phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu.

“Việc không ít DN buộc phải bỏ ra khoản tiền lớn là chi phí ngoài quy định hay còn gọi là “hoa hồng” để tăng khả năng trúng thầu là hiện tượng rất nguy hại, làm mất đi tính cạnh tranh công bằng, khiến hoạt động đấu thầu không còn minh bạch” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Từ những phát hiện ở trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công, thông qua tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu.

Bên cạnh đó, theo PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cần tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cả các đơn vị mời thầu, các DN và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương cần chú trọng tới chất lượng giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của DN tham gia đấu thầu thông qua thiết lập các cơ chế giải quyết kiến nghị độc lập.

Từ góc nhìn quốc tế, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam chia sẻ, nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu mua sắm công không chỉ giúp phòng, chống tham nhũng, mà còn góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam ứng phó một cách hiệu quả đối với khủng hoảng và phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.

“Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ để tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đấu thầu mua sắm công và công tác thực hiện, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực DN tham gia ngày càng tích cực, mạnh mẽ hơn vào các hoạt động đấu thầu mua sắm công” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh./.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201