Thứ Năm, 16/5/2024 - 08:29:53 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

DNNN đóng thuế thu nhập lớn cho ngân sách

THỨ NĂM, 20/10/2016 14:00:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Theo số liệu thống kê, tổng số thuế mà các DN trong Bảng xếp hạng 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam (V1000) năm 2016 đóng góp vào NSNN đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so với tổng số thuế của Bảng xếp hạng năm 2015 và chiếm khoảng 10,41% tổng thu NSNN năm 2015. Trong đó, Top 100 DN đứng đầu đã đóng góp gần 75% tổng số thuế thu nhập DN toàn Bảng xếp hạng.

DN ghi nhận những cải cách quyết liệt về chính sách thuế

Top10 của Bảng xếp hạng V1000 2016 hội tụ đủ cả các DN sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gồm: 2 DN ngành viễn thông, 3 DN ngành dầu khí, 2 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 3 DN ngành ngân hàng.
 
Bảng xếp hạng năm nay tiếp tục ghi nhận khối DNNN vẫn là nguồn lực chủ yếu đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia, chiếm gần 60% tổng số thuế thu nhập DN của toàn Bảng xếp hạng, tăng lên mức đáng kể so với tỷ lệ 45% của năm 2015. Khối DN tư nhân có khởi sắc nhẹ với tỷ lệ đóng góp là 27%. Quan sát toàn Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 cho thấy, tuy số DN của ngành khoáng sản, xăng dầu xuất hiện không nhiều, nhưng những DN có mặt lại đóng góp đến 30% tỷ trọng đóng thuế vào ngân sách quốc gia. Đứng vị trí thứ hai là ngành viễn thông, tin học, CNTT với tỷ trọng đạt 15% và tiếp đến là các DN ngành tài chính với tỷ trọng đóng góp chiếm 11%. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản mặc dù có số DN lọt vào Bảng xếp hạng nhiều nhất nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ chiếm 8% trong tổng số thuế đóng góp của 1000 DN.
 

Tỷ lệ DN quan tâm đến kê khai thuế điện tử tăng từ 11% năm 2014 lên 62% năm 2016 Ảnh: TK

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2016, một cuộc khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN lọt vào Bảng xếp hạng V1000 trong 5 năm trở lại đây cũng đã được tiến hành.

Kết quả cho thấy, các DN đã có cái nhìn tích cực đối với với sự chuyển biến trong chính sách cải cách thuế giai đoạn từ đầu năm 2015 đến nay; có đến 88% DN đánh giá từ tích cực (27%) đến khá tích cực (61%) 11% số DN đánh giá rằng chính sách không tạo ra sự chuyển biến gì và chỉ có 1% DN phản hồi có phần tiêu cực. Như vậy, đại đa số các DN ghi nhận những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ về chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản công tác quản lý thuế trong năm vừa qua.

Đánh giá của các DN đối với hệ thống thuế hiện hành cũng khả quan hơn. Nếu như năm 2015, có tới 61% DN mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định của hệ thống thuế thì đến nay tình thế đã đảo ngược khi có tới 65% DN phản hồi rằng hệ thống thuế đã tương đối ổn, không cần điều chỉnh nhiều hoặc nếu có thì chỉ cần điều chỉnh chút ít. Chất lượng thông tin của các văn bản liên quan đến thuế đã tiếp cận trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 vừa qua cũng được 75% DN đánh giá là sẵn có, dễ tìm, hỗ trợ cho DN hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tăng tính công khai, minh bạch trong thực thi chính sách thuế

Ngoài đánh giá chung về chính sách, pháp luật ngành thuế, cuộc khảo sát đối với các DN trong Bảng V1000 5 năm qua cũng tìm hiểu, đánh giá về 8 sắc thuế có liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm: thuế Môn bài, thuế Thu nhập DN, thuế Giá trị gia tăng, thuế Xuất-nhập khẩu, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Sử dụng đất, thuế Tài nguyên và các thuế khác.

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Thu nhập DN vẫn là hai loại thuế được DN quan tâm hàng đầu và cho rằng 2 loại thuế này cần tiếp tục được điều chỉnh.

Các DN cũng phản hồi lý do khiến họ chậm trễ trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế. Có đến 54% DN cho biết, họ e ngại tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn trong giai đoạn hiện tại; tiếp theo đó, 42% DN cho rằng, việc tiếp cận với các quy định, chính sách miễn, giảm thuế là khó khăn. Chia sẻ một số vướng mắc liên quan đến thuế trong năm 2015, 56% DN gặp vướng mắc với các quy định pháp luật, chính sách thuế; 36% DN gặp vướng mắc do thủ tục hành chính phức tạp; 23% DN gặp vướng mắc trong kê khai thuế qua mạng; 20% DN cho rằng biểu mẫu rườm rà; 17% DN gặp vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Điểm đáng lưu ý trong kết quả khảo sát, DN ngày càng quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thuế điện tử. Tỷ lệ DN quan tâm đến kê khai thuế qua mạng đã tăng từ 11% năm 2014 lên 23% năm 2015 và tăng vọt lên tới 62% vào năm 2016. Đại đa số DN đã đánh giá cao lợi ích của hệ thống kê khai thuế điện tử, tuy nhiên cũng có một số ít DN, nhất là DN vùng sâu vùng xa cho biết, họ gặp khó khăn trong việc thực hiện kê khai. Một số DN có nguyện vọng muốn được hướng dẫn cụ thể và phổ cập phần mềm kê khai cho phù hợp với hệ thống công nghệ thông tin tại địa phương.

Ngoài ra, 43% DN thể hiện nguyện vọng tăng tính công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu những vấn đề tiêu cực trong xử lý sai phạm về thuế và 23% DN mong muốn được tham gia vào quá trình soạn thảo, sửa chữa, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201