Chủ Nhật, 12/5/2024 - 02:27:13 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Điều hành chính sách tiền tệ: Trách nhiệm và thách thức

THỨ NĂM, 24/08/2017 15:05:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Nửa đầu năm 2017, GDP chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát trung bình đã trên 4%. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,7%. Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã đặt ra cho các Bộ, ngành nhiều nhiệm vụ, trong đó phải kể đến những trọng trách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ

Tại buổi kiểm tra, làm việc với NHNN ngày 18/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu NHNN sớm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động ngoại tệ trong dân, đặc biệt là USD, thay vì gửi với lãi suất 0% như hiện nay. Biện pháp này nhằm huy động nguồn lực trong dân để cùng với các nguồn lực khác phục vụ cho đầu tư phát triển. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là NHNN có chủ trương chống đô la hoá, vàng hoá nhưng trong điều kiện kiểm soát được thì nên có phương án huy động, bởi hiện nay chúng ta vẫn phải mua lượng trái phiếu quốc tế cao (khoảng 4,8%). Đồng thời, NHNN sớm có giải pháp hạ lãi suất, tăng cường cho vay các DN mới thành lập và DN khởi nghiệp, điều hành chính sách phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20%, cao hơn so với mục tiêu ban đầu đưa ra là 18%.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu ngành Ngân hàng cần nhận rõ một phần trách nhiệm của mình khi để DN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngân hàng cần thấu hiểu những khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với DN thông qua những cơ chế cho vay linh hoạt. 

Cùng với đó, Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 cũng đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cho vay theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch. 
Rõ ràng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, trong vai trò điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó. 

Bài toán khó trong điều hành

Đã nhiều năm nay, NHNN luôn làm tốt vai trò điều hành chính sách tiền tệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô. Điều này đã được ghi nhận trong các báo cáo của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, thách thức như hiện nay, trách nhiệm của NHNN trong thời gian tới sẽ nặng nề và khó khăn hơn khi phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, thậm chí phải thay đổi chính sách. 

Một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ yêu cầu là các ngân hàng tăng cường cho vay đối với nhóm DN mới thành lập hoặc khởi nghiệp. Chuyên gia tài chính Phan Minh Ngọc cho rằng, nếu NHNN không có các biện pháp hành chính, bắt buộc thì các ngân hàng sẽ luôn tìm cách giảm thiểu việc cho vay với những loại hình DN này. Nhưng nếu NHNN áp dụng biện pháp này thì rất có thể các ngân hàng thương mại sẽ lách luật để hạn chế việc cho vay. 

Để thực thi nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó, NHNN sẽ phải cân nhắc từ nhiều phía. Chẳng hạn, đối với việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, NHNN cần nhận định rõ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay đã ở mức cao (đạt mức 7,54% tính đến thời điểm 20/6), đưa tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia trong khu vực và xấp xỉ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2009. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), điều này cần được theo dõi chặt chẽ, vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) - từng cảnh báo, nếu NHNN tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở mức trên 18% thì hiện tượng tín dụng tăng trưởng “nóng” có nguy cơ quay trở lại, gây ra những hệ lụy lâu dài đối với nền kinh tế. 

Song hành với những nhiệm vụ trên, tới đây, NHNN sẽ phải thực hiện biện pháp huy động ngoại tệ trong dân. “Đây là một chủ trương đúng vì hiện nay số ngoại tệ trôi nổi trên thị trường rất lớn. USD vào ngân hàng sẽ tạo thanh khoản, từ đó hỗ trợ cho nền kinh tế” - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Mặt khác, cầu ngoại tệ đang rất lớn và nếu lãi suất tiền gửi USD vẫn giữ 0% thì ngân hàng sẽ khó thu hút ngoại tệ trong dân để cho vay. Tuy nhiên, phải nhìn lại rằng, kể từ khi áp trần lãi suất 0%/năm có hiệu lực với tiền gửi USD cho đến nay, tỷ lệ đô la hóa đã giảm xuống chỉ còn 8,5% tính đến ngày 30/6/2017, vị thế của Việt Nam đồng ngày càng được củng cố. Như vậy, vấn đề đặt ra là NHNN sẽ phải làm gì để vừa có thể thu hút nguồn tiền trong dân vừa chống đô la hóa? Đây là bài toán không hề đơn giản.

Bài toán trên dù không dễ giải nhưng với vai trò điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, để cùng với các chính sách khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ phải lựa chọn một hướng đi phù hợp. Hướng đi ấy, theo quan điểm của các chuyên gia, vẫn nên hết sức thận trọng.

NGỌC MAI 
Theo Tuần Báo ra ngày 17-8-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201