Thứ Ba, 21/5/2024 - 17:59:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đề xuất gia hạn áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025

THỨ TƯ, 09/03/2022 21:45:39 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đến ngày 15/8/2025 thay vì 15/8/2022.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


NHNN đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 kèm theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42.

Theo đó, NHNN đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025. Trong thời gian kéo dài việc áp dụng Nghị quyết 42, Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Báo cáo của NHNN cho biết, qua 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Nghị quyết 42 thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Đồng thời, Nghị quyết 42 góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.

Box: Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD đến ngày 30/11/2021 là 420 nghìn tỷ đồng, giảm 4,65% so với cuối năm 2020 và giảm 15,74% so với ngày 14/8/2017. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/11/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 373,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15/8/2017 đến 30/11/2021 đạt trung bình khoảng 5,66 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,14 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.


NHNN đánh giá: Trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao.

Cụ thể, từ ngày 15/8/2017 đến 30/11/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 144,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,71% tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình năm 2012-2017, tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ /tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).

Tuy nhiên, theo NHNN, đến ngày 15/8/2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu của TCTD, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan, không ưu tiên áp dụng một số chính sách tại Nghị quyết 42.

Tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, NHNN được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng Luật, việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến không còn hành lang pháp lý cho cơ chế xử lý nợ xấu của các TCTD.

Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại do dịch bệnh Covid-19 vẫn rất lớn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn theo dự báo ở mức khá cao, thậm chí có thể lên đến trên 7,5% trong vòng 1 năm tới.

Do đó, NHNN cho rằng, việc tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là rất cần thiết. “Việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian xây dựng Luật Xử lý nợ xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD, gây thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD/VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ tài chính cho việc cơ cấu lại TCTD, dẫn đến kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém” - NHNN nhận định trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42.

Trước đó, tại Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao động phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, trong khi chờ đợi việc xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, việc gia hạn Nghị quyết 42 là cần thiết. Tuy nhiên, việc gia hạn phải đi kèm với sửa đổi những quy định gây vướng mắc cho các bên liên quan, nếu không, xử lý nợ xấu khó đạt được mục tiêu ở giai đoạn tiếp theo./.
THÀNH ĐỨC


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201