Thứ Hai, 29/4/2024 - 15:18:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy nhanh hành trình “nước rút” tái cơ cấu ngân hàng

THỨ NĂM, 23/07/2015 10:30:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Những nỗ lực tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) không chỉ giúp ngành Ngân hàng “ghi điểm” đối với các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vừa qua mà còn được khẳng định trong Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây. Theo đó, nửa đầu năm 2015, trong khi tốc độ tái cơ cấu DNNN dường như chậm lại thì các ngân hàng đang ở vào giai đoạn “nước rút” của hành trình tái cơ cấu.

Từ việc mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng…

Sau một năm chững lại, quá trình tái cơ cấu các TCTD đã được đẩy nhanh hơn từ đầu năm 2015 đến nay. Trong cuộc hành trình “nước rút” tái cơ cấu, với vai trò là nhà điều hành, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tỏ rõ thái độ kiên quyết xử lý dứt điểm những TCTD yếu kém bằng nhiều biện pháp kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của Việt Nam.


Ocean Bank là 1 trong 3 ngân hàng TMCP được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Ảnh: T.K

Động thái quyết liệt đầu tiên phải kể đến là thay vì cho phép các ngân hàng yếu kém tuyên bố phá sản, trong nửa đầu năm 2015, NHNN đã mua lại cổ phần của 3 ngân hàng với giá 0 đồng, bao gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank). “Gánh nặng” đã đặt ra đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) khi NHNN chỉ định hai ngân hàng có uy tín và kinh nghiệm này tham gia quản trị điều hành, hỗ trợ các ngân hàng yếu kém sớm chuyển đổi cơ chế vận hành. Trong đó, Vietinbank “gánh” trọng trách nặng nề hơn khi giúp đỡ cả OceanBank và GP.Bank.

Theo thông tin từ NHNN, dù các cổ đông hiện hữu của những ngân hàng yếu kể trên đã có cả một khoảng thời gian dài để khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện phương án cơ cấu lại nhưng họ vẫn chưa chứng minh được năng lực tài chính cũng như khả năng quản trị điều hành để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Vì vậy, đã đến lúc NHNN phải “vào cuộc” quyết liệt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của các TCTD yếu kém đối với môi trường kinh doanh.

Dù vẫn còn ý kiến tỏ ra băn khoăn, lo ngại về tính triệt để của biện pháp tái cơ cấu này nhưng theo TS. Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc Vietinbank, việc Chính phủ (trực tiếp là NHNN) lựa chọn phương án tái cơ cấu nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề có tính chất nguyên tắc trong giai đoạn hiện nay. Không ít chuyên gia đều đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh thêm: Để có thể giữ vững được kỷ cương, trật tự của thị trường tài chính tiền tệ, đảm bảo sự lành mạnh của cả hệ thống ngân hàng, việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là cần thiết và thích hợp. Biện pháp này còn được coi như một thông điệp mà NHNN muốn gửi đến các ngân hàng: Các ngân hàng cần phải tự điều chỉnh hoạt để hoạt động lành mạnh hơn nếu không muốn bị mất vốn và “xóa tên” trên thị trường!

... Đến những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A)

Cùng với việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, hoạt động tái cơ cấu các TCTD nửa đầu năm 2015 thực sự tạo dấu ấn khi hàng loạt thương vụ M&A được tiến hành nhanh chóng. Điều này chứng tỏ tái cơ cấu ngân hàng đang ở giai đoạn “tăng tốc”. Theo các chuyên gia của WB, khác với những năm trước, khi quá trình hợp nhất chủ yếu liên quan tới sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn và hoạt động yếu kém hơn thì năm 2015, mô hình sáp nhập phổ biến là ngân hàng lớn kèm ngân hàng nhỏ. Điều này có thể nhận thấy ở các cặp đôi “về một nhà” trong năm nay như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Vietinbank và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Vietcombank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn công thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… Hoạt động M&A trong nửa đầu năm 2015 phản ánh một thực tế: Tái cơ cấu ngân hàng không còn mang tính chất tự nguyện như trước đó mà đã có những chỉ định, thể hiện sự quyết liệt của NHNN trong chỉ đạo, điều hành. Hành trình này không chỉ đem lại sự biến đổi về “lượng” mà còn tạo ra sự khác biệt về “chất”.

Nhìn lại chặng đường tái cơ cấu các TCTD đã qua, nhiều chuyên gia đều cho rằng: Sau 4 năm sắp xếp, cơ cấu lại, đến nay, hệ thống ngân hàng đã được thu gọn. Từng là vấn đề bức bách những năm 2011-2012 nhưng hiện tại, câu chuyện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được hóa giải. Ngành Ngân hàng đã giải quyết phần lớn khối lượng công việc, nhất là trong nửa đầu năm 2015.

Tái cơ cấu ngân hàng là một hành trình dài, vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Bởi vậy, mặc dù hành trình này đã ghi dấu những kết quả nhất định nhưng tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vẫn chỉ đạo các TCTD phải quyết liệt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu mà NHNN đặt ra trong năm nay. Với quyết tâm cao của nhà điều hành và những thành tựu nổi bật của quá trình tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua các ngân hàng sẽ có thêm động lực để đẩy nhanh hành trình “nước rút” tái cơ cấu.

THÀNH ĐỨC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201