Thứ Sáu, 26/4/2024 - 21:37:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước: Cần cân nhắc kỹ và làm rõ các quy định

THỨ BA, 26/11/2019 11:15:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có đề xuất của Chính phủ về hình thức hỗ trợ đầu tư từ NSNN.

Cần quy định rõ lĩnh vực được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Tại Dự thảo trên, nhóm nội dung được đánh giá quan trọng chính là quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Theo đó, đối tượng này gồm: Dự án đầu tư thuộc 16 ngành, nghề (theo danh mục); Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư như: vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu kinh tế...; Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng một năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động; Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ. 
 

Ảnh: Thái Anh

Đáng chú ý là, Điểm h, khoản 1, Điều 20 Dự thảo bổ sung hình thức hỗ trợ đầu tư mới là “hỗ trợ vốn đầu tư từ NSNN”. Theo đó, “Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này đối với DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, DN đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.

Về nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định rằng: Theo Dự thảo, hình thức hỗ trợ đầu tư mới là “vốn đầu tư từ NSNN” nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa phù hợp. Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về sự cần thiết khi bổ sung hình thức hỗ trợ đầu tư này, đồng thời đánh giá tác động và tính khả thi trong điều kiện NSNN hiện nay cho thống nhất với Luật NSNN và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. 

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, vấn đề này tại Dự thảo rất chung, không quy định rõ lĩnh vực nào sẽ được hỗ trợ vốn đầu tư từ NSNN. Đây là nội dung quan trọng nhưng còn “bỏ ngỏ” và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Nếu Dự thảo quy định như vậy thì chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện. 

Phải thu hồi ưu đãi khi nhà đầu tư không thực hiện cam kết 

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế cũng phân tích khá cụ thể về nội dung ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại Chương III của Dự thảo.

Cụ thể, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc rà soát, sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo hướng tăng tính khả thi, bảo đảm quyền của nhà đầu tư được tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đầu tư thì phải có chế tài xử lý thu hồi các khoản ưu đãi.

Cũng theo Ủy ban kinh tế, các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cần tiếp tục được rà soát, khắc phục tình trạng còn có cách hiểu khác nhau về phạm vi và đối tượng áp dụng; bổ sung các tiêu chí, điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đầu tư; bảo đảm thủ tục hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực sự rõ ràng, thuận lợi, đặc biệt là các hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. 

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, thời gian qua, việc ưu đãi đầu tư đã hỗ trợ DN trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, có hiện tượng DN hết thời hạn được ưu đãi lại chuyển sang lĩnh vực khác nhằm tiếp tục hưởng ưu đãi mới, hoặc DN không thực hiện cam kết khi được ưu đãi đầu tư. Những tình trạng này hiện chưa có quy định xử lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Dự thảo nên quy định, sau khi được hưởng ưu đãi, DN phải cam kết đầu tư trên địa bàn trong bao lâu để tránh hiện tượng DN lợi dụng chính sách.

Góp ý về chính sách trong đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, nhiều quy định về ưu đãi đầu tư hiện không rõ ràng nên có sự lợi dụng, đánh tráo khái niệm. Chẳng hạn như tiêu chí về địa bàn khó khăn, hay tiêu chí đầu tư vốn lớn, thu hồi vốn chậm… 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu kẽ hở trong quy định về quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Trong thực tế, có tình trạng lập dự án nhưng không có động cơ làm dự án, mà chủ yếu là gắn dự án với quyền sử dụng đất. Sau một thời gian, nhà đầu tư thực hiện một vài hoạt động nhỏ rồi chuyển toàn bộ dự án để lấy chênh lệch rất lớn, chủ yếu căn cứ vào nội dung giao đất, thuê đất. Có DN chỉ đi lập dự án, xin dự án, đổ vài chục xe đất san lấp rồi chuyển nhượng dự án cho DN khác. Thực tế, những DN này không có khả năng làm dự án mà chỉ buôn dự án và thu lời rất lớn. Chính vì vậy, cần có quy định chặt chẽ hơn về việc chuyển nhượng dự án. 

Còn theo đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương): Cần nghiên cứu để thay đổi việc ưu đãi đầu tư theo ngành nghề sang ưu đãi theo địa phương và ưu đãi theo vùng miền. Chẳng hạn, thành phố trực thuộc T.Ư cần ưu đãi gì, các tỉnh miền núi cần ưu đãi thế nào, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long... phải ưu đãi ra sao. Không thể áp dụng chung một chính sách ưu đãi cho các địa phương trên cả nước. Đồng thời, cần thay thế chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả, cũng như nghiên cứu để chuyển các quy định ưu đãi tương ứng từ Luật Đầu tư sang Luật Quản lý thuế và Luật Hải quan.

MINH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201