Thứ Năm, 25/4/2024 - 06:11:09 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chi ngân sách mới đáp ứng được 55% nhu cầu bảo vệ môi trường

THỨ HAI, 18/06/2018 09:20:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO) - Trong kế hoạch ngân sách hằng năm, Nhà nước đều bố trí kinh phí chi cho bảo vệ môi trường (BVMT), thậm chí, có những giai đoạn, chi NSNN cho hoạt động này đã vượt quá số thuế BVMT thu được. Mặc dù vậy, ngân sách mới chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu chi cho BVMT.

Chi ngân sách cho bảo vệ môi trường cao hơn số thu…

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thu từ thuế BVMT tăng liên tục qua các năm. Cụ thể, năm 2012, con số này ở vào khoảng 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là khoảng 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là khoảng 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 là khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật NSNN, tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế BVMT đều tập trung vào NSNN và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo dự toán Quốc hội quyết định hằng năm, trong đó có thực hiện nhiệm vụ chi cho BVMT. Trên thực tế, mặc dù số thu từ thuế BVMT đều tăng qua các năm nhưng có những giai đoạn, con số này vẫn thấp hơn số chi NSNN cho BVMT. Theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 vào khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, số thu thuế BVMT của giai đoạn này chỉ đạt 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng/năm.

Số chi NSNN cho BVMT giai đoạn 2012-2016 trên còn chưa bao gồm: các khoản chi gián tiếp, chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN… Nếu thống kê một cách đầy đủ tất cả các khoản đó thì số chi cho BVMT còn cao hơn nhiều so với số thu thuế BVMT. Đó là chưa kể hàng chục năm trước, Việt Nam không thu thuế BVMT nhưng đã chi cho nhiệm vụ này.

Nhưng mới đáp ứng được một nửa nhu cầu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), từ năm 2016 trở lại đây, NSNN chi đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ BVMT đã được bố trí cao hơn so với giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, nguồn chi này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu chi để triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật cũng như chi cho việc khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng năm 2017, ngân sách sự nghiệp môi trường T.Ư đã hỗ trợ hơn 215 tỷ đồng cho 12 địa phương xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được rất nhỏ nhu cầu của địa phương.

Cũng trong năm 2017, nhu cầu triển khai các hoạt động BVMT của các Bộ, ngành rất lớn, với tổng kinh phí đề xuất là gần 853 tỷ đồng. Nhưng, do NSNN có hạn nên sau khi thẩm định, cân đối, Bộ TNMT và Bộ Tài chính đã thống nhất phân bổ khoảng 469 tỷ đồng cho các hoạt động quản lý nhà nước về môi trường của các Bộ, ngành, nghĩa là mới chỉ đáp ứng được 55% so với nhu cầu.

Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ TNMT ước tính tổng số kinh phí đề nghị hỗ trợ từ NSNN để thực hiện Chương trình mục tiêu xử lý ô nhiễm triệt để đối với các đối tượng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016-2020 là khoảng 6.320 tỷ đồng. Nếu Chương trình này được thực hiện thì gần 50% tổng số bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ được xử lý triệt để. Thế nhưng cho đến nay, Chương trình chưa được phê duyệt do Chính phủ không cân đối được nguồn kinh phí.

Để có thêm nguồn thu cho nhiệm vụ BVMT, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác BVMT, thu hút DN tham gia đầu tư, bước đầu hình thành được hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích. Năm 2017, Việt Nam đã thực hiện việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế. Các nguồn vốn huy động này đã đóng góp một phần quan trọng cho việc đầu tư những công trình xử lý môi trường tập trung tại các địa phương. 

Bộ TNMT cũng đã kiến nghị xây dựng cơ chế đột phá để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa việc BVMT theo hướng: người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác BVMT; người gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, chi trả chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.

Đồng thời, theo Bộ TNMT, Nhà nước cần xây dựng cơ chế thuế, phí, giá về môi trường phù hợp, có chính sách tái cơ cấu chi từ các nguồn thu phí, thuế BVMT để đầu tư trở lại cho môi trường. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện việc rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, tránh tình trạng chi NSNN cho hoạt động BVMT vượt số NSNN đã được phân bổ.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 24 ra ngày 14-6-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201