Thứ Tư, 24/4/2024 - 05:46:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

THỨ BA, 13/08/2019 08:30:00 | TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
(BKTO)- Chiều 12/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật chứng khoán (sửa đổi). Tại phiên họp, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và quy định về mô hình Sở Giao dịch chứng khoán tiếp tục được các thành viên UBTVQH dành thời gian thảo luận.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính

Báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện có 03 phương án. Phương án 1 quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Phương án 2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán (TCTLK). Phương án 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế lựa chọn phương án 2. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo phương án này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán- IOSCO và khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) cũng như quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức...

Qua thảo luận, UBTVQH cũng nhất trí với quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời bổ sung thêm một số quyền nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật và các quy định của Đảng và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện nay.

Chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất

Liên quan đến quy định về mô hình của SGDCK, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề này có 2 phương án. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án chỉ có một SGDCK duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật.

Theo đó, Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng sửa đổi tên gọi SGDCK thành SGDCK Việt Nam tại các điều, khoản liên quan và bổ sung quyền, nghĩa vụ theo Quyết định số 32/QĐ-TTg.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Luật cũng quy định rõ, SGDCK Việt Nam là DN được thành lập và hoạt động theo Luật DN và Luật Chứng khoán; đồng thời bổ sung quy định theo hướng: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của SGDCK Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán” để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước đối với DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quan trọng này.

Phương án này cũng đã được UBTVQH kết luận tại Phiên họp thứ 33- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ thống nhất với ý kiến của Ủy ban Kinh tế. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật. Vì vậy, thống nhất phương án chỉ tổ chức một SGDCK. SGDCK phải đặt ở nơi có quy mô, thị trường sôi động nhất.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ sự nhất trí với quan điểm của cơ quan thẩm tra và ý kiến của Chủ tịch Quốc hội. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh quyết định đặt SGDCK ở Hà Nội để thuận lợi trong quản lý, giám sát, điều hành vĩ mô cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chính phủ trong việc ứng phó các vấn đề bất thường.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: UBTVQH khẳng định chỉ có một SGDCK Việt Nam và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, còn việc đặt cụ thể tại địa điểm nào do Chính phủ cân nhắc quyết định mà không quy định trong Luật.

Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

ADB thông qua mô hình hoạt động mới

(BKTO) - Mô hình hoạt động mới sẽ giúp ADB nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201