Thứ Năm, 25/4/2024 - 15:29:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Việt Nam tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Mát-xcơ-va lần thứ 9

THỨ NĂM, 24/06/2021 11:34:51 | QUỐC TẾ
(BKTO) - Ngày 23/6, Hội nghị An ninh quốc tế Mát-xcơ-va lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tổ chức đã khai mạc dưới sự chủ trì của Đại tướng Sergei Shoigu (Xéc-gây Soi-gu), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: mod.gov.vn


Thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và thế giới

Thượng tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam - dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin gửi thông điệp chào mừng Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 23 - 24/6 với 5 phiên toàn thể, gồm: Sự ổn định chiến lược: Chuyển đổi và triển vọng; Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính trị toàn cầu; Hợp tác quân sự và kỹ thuật - quân sự giữa Liên bang Nga và các nước Trung Đông - châu Phi như một yếu tố chính trong việc củng cố an ninh khu vực; Sự phối hợp hành động về quân sự như một yếu tố trong đấu tranh chống các thách thức và mối đe dọa khu vực tại Mỹ La-tinh và Tây bán cầu; An ninh châu Âu: Các xu hướng và triển vọng.

Ngoài ra, có 2 phiên hội thảo chuyên đề: Vai trò của các cơ quan quốc phòng trong đấu tranh chống COVID-19; An ninh thông tin: Các vấn đề và giải pháp.

Tại Lễ khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang có bài phát biểu quan trọng, khẳng định, qua 9 lần tổ chức, Hội nghị tiếp tục khẳng định là một diễn đàn hàng đầu tại khu vực, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ

Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 2 với chủ đề “Các quan điểm chiến lược về an ninh khu vực”, Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, trong bối cảnh, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, khó lường, việc đề cập đến những quan điểm chiến lược về an ninh khu vực là hết sức thiết thực, thể hiện nhận thức trước những thách thức to lớn cần phải vượt qua; đồng thời, phản ánh mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định, làm tiền đề cho hợp tác và phát triển.

Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, trật tự thế giới từ sau năm 1945 góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định là xu thế chủ yếu, làm cơ sở để nền kinh tế toàn cầu gặt hái nhiều thành tựu to lớn. Nhiều quốc gia trong khu vực đã phát triển như vũ bão, trở thành những “câu chuyện thành công”, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng toàn cầu và đi đầu trong liên kết kinh tế, là trọng tâm chiến lược toàn cầu.

Tuy nhiên, Thượng tướng Phan Văn Giang cũng lưu ý, châu Á - Thái Bình Dương cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn với các vấn đề có tính chất toàn cầu, bao gồm cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, an ninh mạng, thảm họa thiên tai... Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, cả thế giới đang nỗ lực để ứng phó mối đe dọa chưa từng có trong lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra.

“Đứng trước những thách thức này, chúng ta không khỏi quan ngại, song, chúng ta có cơ sở để lạc quan về những điều tốt đẹp mà xu thế hợp tác, đối thoại cũng như các cơ chế đa phương nhiều tầng nấc trong khu vực mang lại. Trong lĩnh vực quốc phòng, không thể không nhắc tới các cơ chế do ASEAN làm chủ đạo như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+)” - Thượng tướng Phan Văn Giang nói; đồng thời, nhấn mạnh, được hình thành chưa lâu nhưng ADMM+ đã có những đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định của khu vực với tư cách là diễn đàn chia sẻ về quốc phòng - an ninh cũng như cơ chế thúc đẩy hợp tác thực chất; rất nhiều đề xuất, hoạt động hợp tác thực chất được triển khai hướng tới hành động tập thể đối phó với những thách thức chung, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống.
 

Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: mod.gov.vn


Khẳng định những đóng góp to lớn của quân đội và nhân dân Liên Xô, trong đó có vai trò của Liên bang Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, nhân loại không bao giờ quên những mất mát và đau thương trong giai đoạn này mà Liên Xô là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất. Việt Nam cũng như các quốc gia yêu chuộng hòa bình tại khu vực và trên thế giới luôn ghi nhớ vai trò chủ chốt, mang tính quyết định của Liên Xô đối với chiến thắng phát-xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Nhấn mạnh Việt Nam cũng như các nước ASEAN đánh giá cao sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Nga tại cơ chế ADMM+ kể từ khi thành lập, Thượng tướng Phan Văn Giang cho rằng, bên cạnh tham gia vào ADMM+, Nga cũng tích cực thúc đẩy quan hệ quốc phòng - an ninh với ASEAN như đề xuất các Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Nga và Diễn tập Hàng hải ASEAN - Nga...

Đánh giá cao và ủng hộ các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga khởi xướng và chủ trì tổ chức, trong đó có Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, các hoạt động thực tế đã góp phần củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, làm tiền đề cho các hoạt động hợp tác cũng như tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các lực lượng tham gia. Đây là minh chứng cho việc Nga đang ngày càng khẳng định vai trò của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, trở thành nhân tố tích cực cùng ASEAN duy trì sự cân bằng trong khu vực, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, giảm chạy đua vũ trang, góp phần duy trì môi trường hoà bình, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực.

Thượng tướng Phan Văn Giang khẳng định, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các quy định đã thống nhất trong khu vực; tích cực, chủ động hợp tác với các nước, trong đó có Nga nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vì cuộc sống của người dân. Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình và cũng sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho công cuộc bảo vệ hòa bình vì lợi ích không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các quốc gia khác./.

THÙY ANH (Theo mod.gov.vn)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai 10 nội dung giám sát theo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201