Thứ Năm, 25/4/2024 - 13:29:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Top 5 những tỷ phú "thắng lớn", "thua đậm" trong năm 2020

THỨ HAI, 28/12/2020 15:15:00 | QUỐC TẾ
(BKTO) - Trước tình hình căng thẳng và những ảnh hượng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, năm 2020 được xem như cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, giới tỷ phú thế giới vẫn tìm được cách trụ vững qua giai đoạn khó khăn này.


CEO của hãng xe điện Tesla - Elon Musk là tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm 2020 - Nguồn: sưu tầm

2020 là năm đầy khó khăn và xáo trộn với nhiều người khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các chính phủ phải áp dụng phong tỏa, hạn chế đi lại, và hàng triệu người mất việc, giảm thu nhập. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp lớn điêu đứng. Song, một số tỷ phú vẫn kiếm được thêm tiền trong bối cảnh đầy biến động này.

Cụ thể, hơn 60% trong số khoảng 2.200 tỷ phú toàn cầu vẫn ghi nhận tổng tài sản tăng lên. Thống kê của Forbes cho thấy, chỉ 36% trong số toàn bộ tỷ phú thế giới "nghèo đi" vào năm nay. Đặc biệt, riêng 5 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm nay đã có tổng tài sản tăng thêm 310,5 tỷ USD.

Những tỷ phú "thắng lớn"

Theo đó, tỷ phú Elon Musk - CEO hãng xe điện Tesla - là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm nay, với tổng tài sản tăng thêm 110,3 tỷ USD. Đáng chú ý, Musk bỏ xa tỷ phú Jeff Bezos - người kiếm tiền nhiều thứ hai thế giới năm nay - tới 42,8 tỷ USD. 

Khởi động năm 2020, tài sản của CEO Tesla chỉ đạt 26,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đi cùng đà tăng phi mã của công ty xe điện này trong năm nay, tài sản của Musk cũng vọt lên chóng mặt, giúp vị tỷ phú lần đầu góp mặt trong danh sách 5 người giàu nhất hành tinh.

Năm nay, cổ phiếu (CP) của Tesla đã tăng 500%, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty xe điện này lên hơn 460 tỷ USD, hơn cả tổng giá trị vốn hoá của 4 nhà sản xuất xe hơi khác là Ford, Ferrari, GM và BMW cộng lại, dù sản lượng và doanh số của Tesla mới chỉ bằng một phần rất nhỏ so với của các cái tên có bề dày lịch sử như Toyota, Volkswagen hay GM. 

Không chỉ hưởng lợi nhờ giá CP của Tesla, tài sản của Musk cũng tăng mạnh sau khi ông nhận được 4 gói thưởng CP đầu tiên trong gói thưởng gồm 12 đợt dành riêng cho bản thân. 

Ngoài Tesla, công ty công nghệ không gian SpaceX của Musk cũng có một năm tạo nhiều dấu ấn. Sau vòng huy động vốn 1,9 tỷ USD vào tháng 8, SpaceX đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đưa 4 phi hành gia NASA lên Trạm vũ trụ Quốc tế. Theo Forbes, cổ phần của Musk tại SpaceX trị giá 20 tỷ USD. Hiện, Musk sở hữu mức tài sản xấp xỉ 137 tỷ USD, và là người giàu thứ ba thế giới. 

Đứng thứ 2 trong danh sách này là tỷ phú Jeff Bezos với mức tăng 67,5 tỷ USD

Là người "thua đậm" thứ hai vào năm ngoái, tài sản của Jeff Bezos - nhà sáng lập Amazon, lại tăng mạnh trong năm 2020, khi người tiêu dùng phụ thuộc hơn vào nền tảng thương mại điện tử để mua sắm trong đại dịch. Đồng thời, Bezos cũng lập kỷ lục khi trở thành người đầu tiên trong lịch sử sở hữu tài sản trên 200 tỷ USD vào tháng 8/2020.

Dù tài sản của ông chủ Amazon hiện đã giảm xuống còn 182,2 tỷ USD, vị tỷ phú vẫn là người giàu nhất thế giới. Được biết, Bezos đang nắm giữ 11,1% cổ phần Amazon - công ty có giá trị vốn hóa thị trường gần 1.600 tỷ USD. "Gã khổng lồ" thương mại điện tử này tăng trưởng mạnh trong đại dịch khi nhiều cửa hàng truyền thống phải tạm thời đóng cửa. Hiện, giá CP Amazond đã giảm khoảng 10% so với mức đỉnh, nhưng tính từ đầu năm vẫn tăng 69%, vượt xa mức tăng của chỉ số S&P 500 (13,4%) và Dow Jones (5,3%).

Tỷ phú Zhong Shanshan đứng thứ 3 trong danh sách với tài sản tăng 60,5 tỷ USD trong năm 2020.

Năm nay, Zhong bất ngờ trở thành người giàu thứ 3 Trung Quốc, với tài sản hơn 53 tỷ USD, khi hãng nước uống đóng chai Nongfu IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông, huy động được 1,08 tỷ USD vào đầu tháng 9/2020.

Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi chào sàn, giá cổ phiếu Nongfu tăng tới 85%. Nongfu Spring được cho là chiếm tới 20% thị phần nước đóng chai tại Trung Quốc, và tính tới ngày 11/12, giá CP của công ty này đã tăng gần gấp đôi. 

Bên cạnh đó, Zhong cũng kiểm soát hãng sản xuất vắc-xin Beijing Wantai Biological Pharmacy - công ty đã IPO hồi tháng 4. Wantai phát triển vắc-xin dạng xịt mũi ngừa Covid-19 và đang trong giai đoạn thử nghiệm 2. Trong phiên ngày 11/12, CP Wantai giao dịch ở mức giá cao gấp 15 lần so với giá IPO.

Tỷ phú Gilbert - nhà đồng sáng lập công ty mà hiện nay là nền tảng cho vay thế chấp trực tuyến Quicken Loans, cũng "thắng lớn" nhờ đợt IPO "khủng" vào năm nay. Tài sản tăng lên trong năm 2020 của tỷ phú này là 37,1 tỷ USD

Khi Rocket Companies - công ty mẹ của Quicken Loans, lên sàn vào tháng 8 năm nay, tài sản của Gilbert đã tăng đến 43,9 tỷ USD, khi nắm giữ 95% cổ phần. Tính đến phiên giao dịch 11/12, giá trị vốn hoá của Rocket Companies đạt hơn 41 tỷ USD. Được biết, các khoản vay trị giá 145 tỷ USD mà Quicken Loans nắm giữ đã mang tới mức lợi nhuận ròng 892 triệu USD trong năm 2019.

Bất chấp đại dịch từ đầu năm tới nay, các khoản cho vay của công ty liên tiếp đạt kỷ lục từ tháng 3 đến tháng 6, khi lãi suất thấp khuyến khích các hộ gia đình tăng cường vay mới để thanh toán các khoản nợ cũ. Và, lãi suất cho vay thì vẫn đang tiếp tục xuống thấp. Lãi suất trung bình cho một khoản vay cố định thời hạn 30 năm hiện là 2,88%, mức thấp nhất trong gần 50 năm kể từ khi chỉ số này được tổ chức tài chính Freddie Mac theo dõi.

Nếu so với đầu năm, tài sản của Gilbert hiện gấp hơn 6 lần. Vị tỷ phú đồng thời là một trong các chủ sở hữu câu lạc bộ thể thao giàu nhất nước Mỹ, nhờ cổ phần tại đội bóng rổ Cleveland Cavaliers.

Người cuối cùng trong top 5 của tạp chí Forbes là ông chủ của  tập đoàn thời trang xa xỉ Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) - Bernard Arnault với khối tài sản tăng: 35 tỷ USD

Năm nay, Chủ tịch LVMH tiếp tục có mặt trong danh sách 5 tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất, bất chấp một năm đầy hỗn loạn với LVMH. Năm 2019, tài sản của Arnault tăng 40 tỷ USD, trong khi con số của năm nay là 35 tỷ USD.

Khi đại dịch bùng phát, LVMH đã nhanh chóng xem xét lại kế hoạch thâu tóm hãng trang sức Tiffany & Co. và cuối cùng đạt được thỏa thuận mua lại công ty này với giá 15,8 tỷ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với giá đề nghị ban đầu (đưa ra hồi tháng 11/2019). 

Dù thị trường đồ hiệu sụt giảm mạnh do đại dịch, LVMH vẫn gây bất ngờ với các nhà đầu tư khi báo doanh số túi hiệu Louis Vuitton và Dior tăng, đặc biệt tại các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện, Arnault là người giàu thứ 2 thế giới với tài sản hơn 146 tỷ USD.

Những tỷ phú "kém may mắn"

Trái lại, không may mắn như những "ông lớn" kể trên, nhiều vị "đại gia" vẫn ngậm ngùi làm kẻ thua cuộc trong cuộc chiến kinh doanh thời dịch bệnh.

Đứng đầu tiên trong danh sách chính là "cựu" tỷ phú giàu nhất thế giới Carlos Slim Helú. Cụ thể tài sản của tỷ phú này đã giảm 5 tỷ USD trong năm 2020.
 

Tỷ phú Carlos Slim Helú mất 5 tỷ USD trong năm 2020

Carlos Slim Helú và gia đình kiểm soát América Móvil - công ty viễn thông lớn nhất Mỹ Latinh. Dù hoạt động kinh doanh của công ty tương đối ổn định trong giai đoạn đại dịch, giá trị tài sản ròng của Slim vẫn giảm, do đồng peso Mexico trượt giá. So với USD, đồng peso đã giảm tới 26% ở mức thấp nhất vào cuối tháng 3. Kể từ đó, đồng tiền này đã phục hồi, nhưng vẫn có giá trị thấp hơn khoảng 5% so với giá trị vào cuối năm 2019.

Đáng chú ý, cách đây 5 năm, vị tỷ phú cũng là người "mất tiền" nhiều nhất trong năm với lý do tương tự. Khi đó, tài sản của Slim giảm mạnh do giá CP của América Móvil lao dốc vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự mất giá của đồng peso với đồng USD, và những quy định khắt khe chống độc quyền nhắm tới các đại gia viễn thông ở Mexico.

Xếp thứ 2 là tỷ phú Sheldon Adelson với tài sản giảm: 5 tỷ USD.

Tỷ phú người Mỹ này cũng mất khoảng 5 tỷ USD trong một năm kinh doanh khó khăn đối với ngành công nghiệp sòng bạc. Thế nên, không lạ gì khi tài sản ròng của ông trùm sòng bạc Adelson bị ảnh hưởng đáng kể. 

Dù du lịch nội địa đã tăng nhẹ trong mùa hè, nhưng doanh thu của Las Vegas Sands - công ty của Adelson, đã giảm đến 82% trong quý thứ III so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, vào đầu tháng 12/2020, Las Vegas Sands đã phải tạm thời đóng cửa khách sạn.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tình hình có thể sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tính đến ngày 11/12, CP của Las Vegas Sands tăng 18% so với thời điểm cuối tháng 10, nhờ những tin tức xung quanh vắc-xin Covid-19. Hiện, khối tài sản mà vị tỷ phú này đang nắm giữ vào khoảng 35 tỷ USD.

Tiếp theo, người đứng thứ 3 trong danh sách là tỷ phú người Trung Quốc Sun Hongbin với khối tài sản giảm: 4,8 tỷ USD.

Giống như ngành công nghiệp sòng bạc, 2020 không phải là thời gian thích hợp để kinh doanh công viên giải trí. Theo đó, Sunac China Holdings - công ty bất động sản do Sun Hongbin sáng lập và làm Chủ tịch, đã đối mặt với một năm kinh doanh hết sức ảm đạm, khi các lệnh giãn cách xã hội kéo dài. Được biết, giá CP của Sunac China Holdings đã giảm gần 40% trong năm, quét sạch hơn 1/3 tài sản ròng của vị tỷ phú. Theo Forbes, Sun Hongbin mất 4,8 tỷ USD, còn sở hữu 8,1 USD.

Đứng thứ 4 trong danh sách là Hui Ka Yan với tổng tài sản giảm: 4,6 tỷ USD

Tỷ phú người Trung Quốc này là Chủ tịch Evergrande - một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

Trong báo cáo thu nhập giữa năm, Evergrande cho biết đang nợ 128 tỷ USD (835,5 tỷ CNY) vì chi tiêu mạnh tay vào việc mở rộng quỹ đất và xây dựng đơn vị sản xuất ôtô điện.

Tính đến ngày 11/12, CP của công ty mẹ Evergrande giảm gần 22% trong năm nay. Ông Hui mất 4,6 tỷ USD trong năm nay, còn sở hữu khối tài sản ròng khoảng 27 tỷ USD.

Đứng cuối cùng trong top 5 là tỷ phú Harold Hamm với tài sản tính toán giảm: 4,3 tỷ USD.

Tỷ phú Harold Hamm là Chủ tịch, CEO của nhà sản xuất dầu Continental Resources. Trong một năm dầu mỏ chứng kiến cú sốc giá giảm mạnh hồi tháng 3 và ngành công nghiệp dầu mỏ rơi vào tình trạng hỗn loạn trong đại dịch vì lệnh đóng cửa, Hamm đã mất hơn 43% tài sản.

Việc phong tỏa và hạn chế đi lại đồng nghĩa mọi người ít di chuyển bằng máy bay và xe hơi hơn, khiến nhu cầu về dầu giảm, kéo theo CP của Continental Resources giảm 45% kể từ đầu năm nay, dù đã phục hồi một phần. Hiện, vị tỷ phú còn sở hữu 5,6 tỷ USD, sau khi mất gần một nửa tài sản chỉ trong một năm

NAM SƠN (Tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai 10 nội dung giám sát theo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201