Thứ Tư, 17/4/2024 - 05:59:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cao hơn

THỨ BẢY, 08/10/2022 10:30:55 | QUỐC TẾ
(BKTO)- Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo về các nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày một tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp. Trước đó, tháng 7 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%.

 
IMF: Cần ngăn chặn "điều bình thường mới" nguy hiểm
 

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế  Kristalina Georgieva - Nguồn: Bloomberg


Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần hành động phối hợp nhằm ngăn chặn "điều bình thường mới nguy hiểm," trong bối cảnh các nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày một tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp. Tuyên bố trên được bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ngày 6/10 trước thềm hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Phát biểu tại Đại học Georgetown (Mỹ), bà Georgieva nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải "ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất," trong đó có tình trạng lạm phát. Theo bà, các nhà hoạch định chính sách cần hành động cùng nhau để "ngăn giai đoạn bất ổn ngày càng tăng này trở thành một 'điều bình thường mới' nguy hiểm." Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cũng cảnh báo quá trình này sẽ khó khăn và nếu các ngân hàng trung ương hành động quá quyết liệt để giảm áp lực về giá, có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế "kéo dài."

Tuyên bố của bà Georgieva nêu rõ bên cạnh triển vọng toàn cầu u ám là các nguy cơ suy thoái đang tăng. Chỉ trong chưa đầy ba năm, thế giới chứng kiến hết cú sốc này đến cú sốc khác. Nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn cũng đang là thách thức đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau những tác động của đại dịch COVID-19, đẩy lạm phát leo thang trên toàn thế giới. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá lương thực gia tăng.

Bà Georgieva cho biết thể chế tài chính toàn cầu này có kế hoạch tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023, có thể được công bố tại hội nghị thường niên, dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Washington (Mỹ). Đây là hội nghị trực tiếp của IMF và WB đầu tiên kể từ năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ngành công nghiệp Đức bộc lộ nhiều dấu hiệu giảm tốc rõ rệt
 

Nền công nghiệp Đức đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa


Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nền kinh tế Đức càng bộc lộ những dấu hiệu giảm tốc rõ ràng. Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) nhận định như vậy khi đề cập đến hoạt động công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Destatis đã công bố hoạt động kinh tế của Đức trong tháng 8/2022 giảm 2,4% so với tháng trước đó. Chỉ trong tháng 8, số đơn đặt hàng đã giảm 3,4% so với tháng trước, trong khi đơn hàng ở nước ngoài giảm 1,7%. Cơ quan này cũng nêu rõ triển vọng không mấy khả quan trong những tháng còn lại của năm cũng được phản ánh qua môi trường kinh doanh ảm đạm và dự báo xuất khẩu cũng giảm sút mạnh. Tuy nhiên, Destatis cho rằng các ngành công nghiệp cơ khí và ôtô lớn của Đức vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong số đơn đặt hàng của tháng 8, với lần lượt là 4,7% và 3,8%.

Phát ngôn viên của Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Đức (VDA) cho rằng sự gia tăng số đơn đặt hàng là kết quả hiệu ứng sau khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và chất trung gian, cũng như sự không chắc chắn chung do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, tiếp tục tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường và sản xuất.

Bên cạnh ngành công nghiệp xe hơi của Đức, các nhà sản xuất máy móc và thiết bị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo), 3 trong số 4 công ty trong cả hai lĩnh vực đều báo cáo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung vào tháng trước.

Kinh tế Đức đã rơi vào tình trạng trì trệ trong quý II/2022. Với tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và nguồn cung gián đoạn, Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái với lạm phát lên tới 8,5%.

Ngân hàng Trung ương Canada sẵn sàng chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế để kiểm soát lạm phát
 

Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của BOC đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế - Nguồn: Reuters


Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC), ông Tiff Macklem ngày 6/10 nhận định việc tăng lãi suất là cần thiết để kiềm chế lạm phát. Tuyên bố này đánh tín hiệu rằng BOC sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế Canada đã tăng trưởng chậm lại và lạm phát bắt đầu giảm.

BOC đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 3, từ 0,25% lên 3,25% trong khuôn khổ của một trong những chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất được ghi nhận ở Canada. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình, với mục tiêu làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế và làm chậm tốc độ tăng giá. Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của BOC đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường bất động sản.

Có những dấu hiệu tích cực về tình trạng lạm phát tại Canada. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7% trong tháng 8, tăng nhẹ hơn so với mức 7,6% trong tháng 7 và 8,1% hồi tháng 6. Giá dầu đã giảm trong những tháng gần đây do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên u ám. Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đang được cải thiện và chi phí vận chuyển đã giảm.

Ông Macklem cho rằng BOC không thể trông đợi vào những diễn biến trên thị trường toàn cầu để giải quyết vấn đề lạm phát của Canada. Cuộc xung đột ở Ukraine hoặc một đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng hơn nữa. Ngoài ra, xu hướng sụt giá của đồng nội tệ CAD so với USD trong những tháng gần đây đang đẩy giá hàng nhập khẩu của Mỹ lên cao.

Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ ở Canada và trên toàn thế giới đang làm tăng nguy cơ suy giảm kinh tế trong năm tới. Ngày càng nhiều nhà kinh tế ở khu vực tư nhân dự đoán Canada sẽ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023. Simon Deeley, Giám đốc phụ trách mảng chiến lược lãi suất của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC), nhận định BOC sẵn sàng chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế để đạt được mức lạm phát 2%.

Ngân hàng New Zealand tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 7 năm
 

RBNZ đang có một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm kiềm chế lạm phát - Nguồn: Sưu tầm


Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (Ngân hàng trung ương – RBNZ), ngày 6/10, đã chính thức nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức 3,5%. Đây là lần thứ 8 liên tiếp RNBZ nâng lãi suất kể từ tháng 10 năm ngoái và là lần thứ 5 liên tiếp tăng ở mức 0,5 điểm phần trăm.

Động thái này cũng cho thấy một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất của RBNZ từ trước đến nay, đưa lãi suất hiện tại lên mức cao nhất trong 7 năm qua.

Thông báo của ủy ban trên nêu rõ việc thắt chặt tiền tệ là cần thiết, trong bối cảnh lạm phát tại New Zealand đang ở mức cao kỷ lục và có xu hướng gia tăng. Ủy ban này đánh giá áp lực giá tiêu dùng toàn cầu vẫn tăng cao, trong khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ lại vượt quá khả năng cung, gây áp lực lên giá cả.

Tại New Zealand, cho đến thời điểm hiện tại, mức chi tiêu trong nước vẫn ổn định do tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lãi suất trong nước cao hơn. Bên cạnh đó, thị trường việc làm thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và tình hình tài chính của các hộ gia đình vẫn ổn định. Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước đang bị hạn chế do tình trạng thiếu lao động và áp lực tiền lương ngày càng cao.

Theo RBNZ, chi tiêu và tiêu dùng tiếp tục vượt xa khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ, với một loạt các chỉ số cho thấy áp lực về giá vẫn đang gia tăng mạnh trên diện rộng. Các thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ nhất trí rằng chính sách tiền tệ cần tiếp tục được thắt chặt, cho đến khi chi tiêu được kiềm chế, đủ để đưa lạm phát trở lại trong phạm vi mục tiêu 1-3%.

Dữ liệu thống kê chính thức của New Zealand cho thấy trong quý 2/2022, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 32 năm là 7,3%.
Nam Sơn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai 10 nội dung giám sát theo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201