Thứ Sáu, 29/3/2024 - 18:32:29 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hiệp ước thương mại hậu Brexit và những vấn đề cần giải quyết

THỨ BẢY, 01/05/2021 14:50:00 | QUỐC TẾ
(BKTO)- Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp ước thương mại hậu Brexit. Đây là bước cuối cùng trong tiến trình “chia tay” giữa Liên minh châu Âu và Anh, chính thức chấm dứt mối quan hệ nhiều duyên nợ giữa hai bên.


Thỏa thuận thương mại dù đã được phê chuẩn, song vẫn còn nhiều vấn đề cần EU và Anh tiếp tục giải quyết - Ảnh minh họa


Kỷ nguyên mới trong quan hệ EU - Anh

Các nhà lãnh đạo Anh, Liên minh châu Âu và doanh nghiệp châu Âu hi vọng bước phê chuẩn cuối cùng văn kiện sẽ mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới dù vẫn còn nhiều chủ đề gây chia rẽ giữa các đối tác cũ. Thỏa thuận hợp tác và thương mại quan trọng giữa Anh và Liên minh châu Âu đã được thông qua với 660 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 32 phiếu trắng.

Như vậy, văn kiện được hoàn tất vào đêm Giáng sinh đã vượt qua rào cản pháp lý cuối cùng để chính thức có hiệu lực, gần 5 năm sau khi Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu. Thỏa thuận cho phép hai bên tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại không hạn ngạch và không thuế quan.

Phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu đánh dấu bước cuối cùng trong một hành trình dài nhằm mang lại sự ổn định cho mối quan hệ mới của Anh với Liên minh châu Âu với tư cách là những đối tác thương mại, đồng minh thân thiết và bình đẳng chủ quyền.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gọi đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận.

“Thỏa thuận hợp tác và thương mại giữa Liên minh châu Âu và Anh đi kèm với cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc và khả năng áp dụng các biện pháp đơn phương, khắc phục hậu quả khi cần thiết. Và tôi xin nói rõ: Chúng tôi không muốn phải sử dụng những công cụ này nhưng chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng chúng nếu cần thiết”, bà Ursula von der Leyen cho hay.

Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Anh đã trở nên căng thẳng kể từ khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc hồi đầu năm nay. Hai bên liên tục tranh cãi về nhiều vấn đề từ vi phạm giao thức Bắc Ireland, nguồn cung cấp vaccine Covid-19 cho đến sự công nhận ngoại giao đầy đủ của Liên minh châu Âu ở Anh.

Anh gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973 và nước này đã quyết định rút khỏi khối sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6/2016. Trong cuộc tranh luận trước bỏ phiếu phê chuẩn, nhiều nhà lập pháp châu Âu đã chỉ trích việc Anh rời đi, nhưng khẳng định việc phê duyệt là lựa chọn tốt nhất để tránh gián đoạn kinh tế và đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường chung.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Anh và Liên minh châu Âu về những quy tắc thương mại của Bắc Ireland, Nghị viện Liên minh châu Âu cũng khẳng định, thỏa thuận này sẽ cung cấp thêm các công cụ pháp lý để ngăn chặn và giải quyết những bất đồng nảy sinh liên quan đến nghĩa vụ mà cả hai bên đã ký kết.

Cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu đã khởi động tiến trình pháp lý chống lại thành viên cũ sau khi Anh đơn phương quyết định trì hoãn việc thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận chia tay liên quan tới Bắc Ireland. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 1 khi Liên minh châu Âu cảnh báo sẽ cấm vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 tới Bắc Ireland nhằm tăng cường nguồn cung của khối. Một quyết định như thế nếu được thực hiện sẽ tạo ra một biên giới cứng trên đảo Ireland, một kịch bản mà cả Anh và Liên minh châu Âu đều cố tránh khi đặt bút ký thỏa thuận Brexit.

 Nhiều vấn đề vẫn cần giải quyết

Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp ước thương mại hậu Brexit có nghĩa là thỏa thuận, đã được áp dụng tạm thời từ tháng 1/2021, có thể hoàn toàn có hiệu lực vào ngày 1/5 tới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề lớn vẫn cần hai bên tiếp tục giải quyết.

Hiệp ước thương mại hậu Brexit tạo ra một cấu trúc quản trị phức tạp, mà chỉ sau khi thỏa thuận được phê chuẩn mới có thể được thực hiện. Hội đồng Đối tác chung EU-Anh sẽ được thành lập và là cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện và tạo ra một diễn đàn để cả hai bên khắc phục những khác biệt.

Đại diện của Anh David Frost và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic sẽ là người đứng đầu mỗi bên trong Hội đồng đối tác chung Anh-EU.

Hai bên cũng sẽ thành lập một Ủy ban đối tác thương mại để tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ 10 ủy ban thương mại chuyên ngành và xem xét các vấn đề như thương mại hàng hóa, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, quy tắc xuất xứ và sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, 8 ủy ban khác sẽ đảm nhiệm các lĩnh vực chính sách bao gồm năng lượng, an toàn hàng không, điều phối an sinh xã hội, nghề cá và thực thi pháp luật.

Hiệp ước thương mại hậu Brexit cũng dẫn đến việc Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu thành lập Hội đồng đối tác nghị viện bao gồm các nhà lập pháp từ hai cơ quan này. Hội đồng có thể tiếp nhận thông tin từ Hội đồng đối tác và đưa ra các khuyến nghị về việc thực hiện thỏa thuận.

Bên cạnh quản trị, vấn đề biên giới vẫn là một nội dung gây nhiều tranh chấp giữa EU và Anh. Brussels và London đang tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp trong vấn đề Bắc Ireland, sau quyết định đơn phương của Anh nhằm hoãn áp dụng các biện pháp kiểm tra mới đối với thực phẩm, bưu kiện và vật nuôi giữa khu vực này và Anh (một động thái được EU coi là vi phạm Nghị định thư Bắc Ireland).

Nghị định thư Bắc Ireland được Anh và EU ký năm ngoái, trong đó EU cử nhân viên hải quan tới Bắc Ireland, làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, kiểm tra hàng hóa đi qua cảng để đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường EU khi vào Bắc Ireland được đáp ứng.

Cả hai bên đã làm việc tích cực kể từ lễ Giáng Sinh (24/12/2020) và xác định được tới 27 lĩnh vực khác biệt mà họ đang cố gắng tìm ra điểm chung. Các nhà đàm phán của EU đã đề nghị loại bỏ việc kiểm tra đối với thực phẩm nhập vào Bắc Ireland từ Anh nếu London đáp ứng với các tiêu chuẩn của EU.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã từ chối điểm này, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc kiểm soát tương ứng vì cho rằng đã có tiền lệ trong các thỏa thuận được ký kết giữa EU và các nước thứ ba.

João Vale de Almeida, Trưởng phái đoàn của EU tại Anh, khẳng định Nghị định thư Bắc Ireland là giải pháp cho các vấn đề do Brexit tạo ra, chứ không phải là nguồn gốc của căng thẳng. Nhưng một số người đã đổ lỗi cho tranh cãi chính trị về Nghị định thư này là nguyên nhân dẫn đến bạo lực đường phố gia tăng ở Bắc Ireland.

Trong khi đó, các nhóm doanh nghiệp đang thúc đẩy một thỏa thuận nhằm giảm bớt sự gián đoạn thương mại. Hannah Essex, Giám đốc phòng thương mại Anh, cho biết: “Anh và EU phải quay lại bàn đàm phán và tiếp tục thảo luận để có thể xây dựng các thỏa thuận được đề ra trong Hiệp ước thương mại hậu Brexit, nhằm mang lại những cải thiện lâu dài cho dòng chảy thương mại giữa hai bên”.
 
NAM SƠN (Tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

Mặt trận Tổ quốc: Hoàn thành giám sát nhiều nội dung được nhân dân quan tâm

(BKTO) - Từ sau Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai 10 nội dung giám sát theo Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201