Thứ Bảy, 27/4/2024 - 03:26:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ứng dụng công nghệ cao chưa tạo đà cho nông nghiệp “cất cánh”

THỨ HAI, 19/11/2018 09:10:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp đã đem lại những hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư công nghệ hiện đại, những mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) chưa tạo được đột phá để giúp nền nông nghiệp “cất cánh”.


Các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún - Ảnh: NGỌC DŨNG
 
Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn

5 năm qua, nhờ áp dụng KHCN vào sản xuất, đã có thêm 96 cây trồng mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận; năm 2017, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng đạt trên 60% (năm 2013 đạt 40%), giống chất lượng thấp chỉ còn 13 - 15% (năm 2013 khoảng 20%). Cơ cấu giống và tỷ lệ sử dụng giống lúa có xác nhận và tương đương cũng được cải thiện đáng kể, các tỉnh phía Bắc đạt trên 80%, khu vực miền Trung đạt trên 50%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 45%. Cùng với đó, giá trị xuất khẩu gạo cũng được nâng lên, từ 435 USD/tấn năm 2013 lên 452 USD/tấn năm 2017, tương đương với giá gạo cùng loại của Thái Lan và có thời điểm còn cao hơn. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2017, Bộ NN&PTNT cũng đã công nhận 34 tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và chuyển giao cho các địa phương, DN, người dân ứng dụng vào sản xuất. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KHCN vào nông nghiệp vẫn còn những hạn chế như: KHCN chưa phát huy vai trò là động lực, đòn bẩy trong sản xuất; các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện chỉ có 5% DN nông nghiệp được chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGap) và tương đương. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC bài bản, hiệu quả chưa nhiều; số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và số lượng DN ứng dụng CNC được công nhận còn ít. 

Chia sẻ những khó khăn trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lãnh đạo Công ty Cổ phần Nafoods Group - DN có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nước ép trái cây và rau củ quả đông lạnh - cho biết, hiện nay, Công ty có thể xuất khẩu các loại trái cây tươi với số lượng lớn, chất lượng tốt, thời gian dài nhưng do không có công nghệ bảo quản phù hợp nên sản phẩm chỉ được xuất đi thị trường gần với lợi nhuận thấp.

Nông dân Phạm Văn Hát (Hải Dương) - người có biệt danh “Hát sáng chế” - từ năm 2012 đã miệt mài chế tạo ra các máy móc, thiết bị nông cụ sản xuất nông nghiệp, hiện có trên 30 loại sản phẩm được nông dân chấp nhận. Đặc biệt, sản phẩm rô-bốt gieo hạt tự động đã xuất khẩu sang hơn 10 nước trên thế giới, trong đó có các nước có nền nông nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Mỹ, Đức… Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, anh Hát cũng gặp không ít khó khăn về tài chính, mặt bằng sản xuất.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, ưu đãi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất, anh Phạm Văn Hát đề xuất, Bộ NN&PTNT cần phải coi việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí nghiên cứu khoa học, ưu đãi vốn vay và điều kiện về mặt bằng để các tổ chức và cá nhân có thể phát huy tối đa khả năng của mình cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp; đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về cơ khí, tự động hóa, tiếp cận công nghệ mới của các nước phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho DN, hợp tác xã ứng dụng KHCN. Các viện nghiên cứu cần được hưởng chính sách ưu đãi, đồng thời, đổi mới cơ chế đặt hàng, nghiên cứu hướng về thị trường để khuyến khích và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho DN và nông dân. DN ứng dụng công nghệ cần được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần xác định mục tiêu chung là "xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh". Để làm được điều đó, các Bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời, khắc phục những điểm còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Đặc biệt, nhiệm vụ thu hút các DN, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp cần phải được chú trọng, vì chỉ có DN mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất, tổ chức sản xuất; đầu tư ứng dụng KHCN, tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Phó Thủ tướng yêu cầu, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của KHCN tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, khối lượng đột phá và có sức cạnh tranh.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201