Thứ Sáu, 19/4/2024 - 07:44:02 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tạo chuyển biến rõ nét hơn trong phát triển nông nghiệp

THỨ BA, 16/01/2018 08:10:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò, đóng góp của ngành nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ đạo toàn ngành “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”!

Tăng trưởng nông nghiệp vượt mục tiêu đề ra

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017, tuy trải qua nhiều khó khăn thách thức, nhất là thiên tai, bão lũ, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả nổi bật về tăng trưởng, xuất khẩu, tìm đầu ra cho nông sản, tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 đã tăng 2,9% (nếu không bị thiệt hại nặng bởi các cơn bão số 10 và 12 thì khả năng sẽ tăng trên 3%), vượt mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 2,84%; giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đây là kết quả của việc tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. 

Trong năm qua, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời với giá ở mức có lợi cho nông dân (trừ mặt hàng thịt lợn 9 tháng năm 2017 tồn kho nhiều, giá giảm); xuất khẩu tăng mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 36,37 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016. Thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như: rau quả (40,5%); cao su (35,6%), gạo (23,2%), điều (23,8%), tôm (22,3%), đồ gỗ và lâm sản (9,2%)... 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên vẫn được duy trì, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một lý do khác giúp lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng là các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Năm 2017, toàn ngành có 1.955 DN thành lập mới, tăng 3,8% so với năm 2016. Đồng thời, số lượng trang trại, hợp tác xã nông nghiệp cũng tiếp tục tăng và hoạt động tốt.

Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất

Kết quả trên của ngành nông nghiệp trong năm 2017 đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước (đóng góp 0,44 điểm phần trăm). Đánh giá cao kết quả này, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, thành tích đạt được chỉ mới là bước đầu, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, trong khi lao động chiếm trên 42% và người dân sống ở nông thôn chiếm đến 70%. Do đó, chuyển dịch cơ cấu lao động là vấn đề cần được nghiên cứu và thực hiện một cách hiệu quả. Mặt khác, nỗi lo về tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn; đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; hệ thống thủy lợi xuống cấp; một số địa phương còn lơ là trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác an toàn thực phẩm hiện nay đã có tiến bộ nhưng còn tình trạng “heo 2 chuồng, rau 2 luống”.

Bên cạnh đó, tuy lực lượng DN nông nghiệp đã có sự lớn mạnh nhưng số lượng còn ít, chỉ chiếm 1% trong tổng số DN cả nước. Nhiều DN có quy mô nhỏ, năng lực tài chính thấp; thu hút đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; mô hình phát triển nông nghiệp còn chậm và lúng túng…

Để ứng phó với những thách thức đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Đồng thời, cần nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, DN và nông dân; quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý… để thoát “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu ngay trong năm nay, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. 

Nhắc lại con số, chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp mà Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 đã “chốt”: tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp đạt 3%; xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp trong năm 2018 phải tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn, nhất là trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành.
 
Bộ NN&PTNT định hướng, năm 2018, ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; đi sâu hơn vào công tác chế biến và mở rộng thị trường, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8-3% trong năm 2018…
 

 LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 11-01-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201