Chủ Nhật, 5/5/2024 - 15:00:25 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Phân rõ trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho

THỨ NĂM, 06/09/2018 08:15:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Nhiều Bộ, ngành, địa phương ngại trách nhiệm, đùn đẩy việc lên Chính phủ; cơ cấu bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả, làm giảm năng lực điều hành của bộ máy quản lý nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế... là những vấn đề gây bức xúc, được nhiều đại biểu đề cập khi thảo luận về sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP).

Chưa rõ ràng trách nhiệm

Thời gian qua, tình trạng các Bộ, ngành, địa phương đẩy việc lên Thủ tướng Chính phủ đã được đề cập nhiều, mặc dù đó là những vụ việc nằm trong thẩm quyền xử lý của các cơ quan này. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn từng gay gắt: “Những nơi nào lạm dụng đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thể hiện không nắm được thẩm quyền của mình, đồng thời cho thấy sự yếu kém về năng lực, trình độ điều hành, lãnh đạo và đặc biệt là né tránh trách nhiệm”. Trong khi đó, trách nhiệm giải quyết công việc của các cấp đến đâu đều đã được thể hiện rõ trong Luật TCCP, Luật TCCQĐP và các văn bản hướng dẫn có liên quan. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiên cứu pháp luật thừa nhận, bên cạnh những quy định còn phù hợp với tình hình đất nước, nhiều nội dung tại 2 Luật dần trở nên không phù hợp và gây khó khăn trong quá trình quản lý, điều hành, điển hình như việc chưa phân rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền. Đây cũng là lý do Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo “Chính phủ và chính quyền địa phương” nhằm thảo luận, hướng đến phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và chính quyền địa phương theo hướng phân cấp mạnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo.
 

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc sửa đổi Luật TCCP, Luật TCCQĐP sẽ tập trung vào những vấn đề “nóng” - Ảnh: Nguyễn Hương

Đề cập đến tình trạng các địa phương đẩy việc lên Chính phủ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc - cho rằng, Chính phủ chỉ làm chính sách, làm pháp luật và khung thể chế, còn lại việc cụ thể thực hiện là ở chính quyền địa phương. “Quan điểm cải cách là rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền. Việc của địa phương làm thì địa phương phải chịu trách nhiệm” - ông Phúc nói và đề nghị lựa chọn những nội dung xác đáng trong 2 Luật để sửa đổi nhằm phân định rõ mối quan hệ cũng như chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp quản lý. 

Chung ý kiến, PGS.TS. Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cũng nhấn mạnh, tư tưởng cải cách là làm sao để càng lên trên càng ít việc cụ thể, T.Ư chỉ tập trung vào điều hành những việc lớn, mang tính vĩ mô nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra chứ không phải giải quyết theo sự vụ.  

GS. Nguyễn Hữu Khiển - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia - bày tỏ quan điểm, Luật TCCQĐP cần thể hiện rõ việc phân cấp, nhưng phải hạn chế tối đa ủy quyền và xin ủy quyền để tránh cơ chế xin - cho. Đồng tình với quan điểm cần phân cấp mạnh mẽ hơn, một số đại biểu cũng lưu ý T.Ư phải giữ quyền kiểm soát chặt, đặc biệt là về vấn đề biên chế, tổ chức bộ máy... 

Linh hoạt trong sắp xếp tổ chức, cán bộ

Theo Bộ Nội vụ, việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cũng như việc thí điểm nhất thể hóa đơn vị Đảng, Nhà nước, đảm bảo tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân tốt hơn sẽ được đưa vào nội dung sửa đổi Luật lần này. 

Dẫn ví dụ cụ thể về việc Bộ Công an đã mạnh dạn cắt bỏ hàng loạt đơn vị cấp Tổng cục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc sắp xếp lại các đơn vị ở địa phương là không thể bàn lùi. “Điều quan trọng là sắp xếp sao cho hợp lý, đảm bảo gọn gàng, nhưng bộ máy phải phát huy hiệu quả sau sắp xếp” - ông Tân nói và cho biết, từ bài học kinh nghiệm của Bộ Công an, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.  

Đối với tổ chức cấp Bộ, ngành, ông Thang Văn Phúc cho rằng, số lượng các Bộ, ngành hiện nay là quá nhiều, chỉ nên có khoảng 20 Bộ, ngành là phù hợp. “Các nước phát triển chỉ có 10 - 12 Bộ, riêng Thụy Sỹ chỉ có 7 Bộ” - ông Phúc so sánh. 

Đề cập đến nội dung sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nêu quan điểm, việc giảm số lượng đại biểu HĐND và kiện toàn bộ máy một cách gọn nhẹ, hợp lý cần được quan tâm. Bởi, lượng công chức HĐND hiện nay đông nhưng chưa mạnh, gây lãng phí về công sức, thời gian, kinh phí. PGS.TS. Hoàng Thế Liên thì đề nghị, việc sắp xếp cán bộ phải đảm bảo tính linh hoạt, không thể cắt giảm một cách cơ học, làm giảm hiệu quả giải quyết công việc.  

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trước mắt, việc sửa đổi Luật TCCP, Luật TCCQĐP sẽ thực hiện trên tinh thần lựa chọn những vấn đề đang bức xúc, nhu cầu thực tiễn xã hội đang đặt ra để ưu tiên làm trước chứ chưa sửa toàn diện các Luật. Các ý kiến góp ý sẽ được Bộ Nội vụ tổng hợp và báo cáo Chính phủ vào ngày 30/8 tới đây.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201