Thứ Bảy, 18/5/2024 - 21:33:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nỗi lo “hành chính hóa” từ các tổ chức chính trị, xã hội

THỨ NĂM, 30/06/2016 07:30:00 | VĂN HÓA
(BKTO)- “Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư, song các tổ chức chính trị - xã hội, hội đặc thù (CT-XH) được cho là hoạt động kém hiệu quả, tồn tại nhiều bất cập. Cần thiết phải đổi mới mô hình hoạt động của các tổ chức này, trong đó xóa bỏ cơ chế xin - cho, tư tưởng “hành chính hóa” bộ máy”- đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán.


GS Nguyễn Minh Thuyết.  Ảnh: PHỐ HIẾN
      
 
Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện về các tổ chức CT-XH nêu rõ chi phí đầu tư cho các tổ chức này là rất lớn. Ông có bình luận gì về điều này?

- Mới đây, tôi cũng đã được tiếp cận báo cáo nghiên cứu do VEPR thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một kênh tham khảo về tình hình hoạt động của các tổ chức CT-XH mà chúng ta cần lưu tâm. Ở Việt Nam hiện có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), 5 tổ chức CT/XH (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh) và 28 hội đặc thù; trong đó, đa số các tổ chức này đều có 4 cấp (Trung ương, tỉnh/thành phố, huyện/quận và xã/phường), số lượng tổ chức, nhân sự và chi tiêu rất lớn.

Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho Trung ương Hội của các tổ chức CT-XH giai đoạn 2006-2014 tăng từ 781,3 tỷ đồng (năm 2006), lên gần 1,9 nghìn tỷ đồng (dự toán năm 2014), chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách Trung ương cho các Bộ, cơ quan Trung ương trong năm 2014. Cộng các nguồn như NSNN (14 nghìn tỷ đồng), hội phí (hơn 10,7 nghìn tỷ đồng), phí ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 2 nghìn tỷ đồng), các chi phí ẩn từ tài sản cố định (hơn 33,8 nghìn tỷ đồng) và nguồn nhân lực (hơn 2,9 nghìn tỷ đồng)… thì tổng chi phí kinh tế đầu tư cho các tổ chức CT-XH trong năm 2014 vào khoảng 71 nghìn tỷ đồng, theo tính toán của VEPR.

Năm 2012, tổng chi ngân sách địa phương cho các tổ chức CT-XH là hơn 4 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí hỗ trợ ngân sách cho Công đoàn của các địa phương), tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006 (gần 1,4 nghìn tỷ đồng). Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có mức chi ngân sách dành cho các tổ chức CT-XH lớn nhất. Như vậy, chi phí đầu tư cho các tổ chức CT-XH là rất lớn và đang tạo gánh nặng cho ngân sách hằng năm.

Ông đánh giá ra sao về hoạt động của các tổ chức CT-XH trong thời gian vừa qua?

- Từ thực tế nắm bắt thời gian qua và qua nghiên cứu của VEPR cho thấy hệ thống này bộc lộ nhiều vấn đề đáng chú ý: Nhiều tổ chức CT-XH đang rơi vào quá trình “hành chính hóa” khá mạnh như bộ máy biên chế cồng kềnh, tổ chức thiếu linh hoạt, chồng chéo trong hoạt động. Trong thời kỳ 2007-2012, số lượng các cơ sở thuộc các tổ chức CT-XH có mức tăng cao nhất trong khu vực hành chính sự nghiệp với 10,8% về số lượng và 13,4% về lao động. Tổng số người hoạt động trong các tổ chức CT-XH vào khoảng 337.981 người. Cơ chế hoạt động của hệ thống chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, các tổ chức CT-XH có các đơn vị, DN hoạt động kinh tế, việc quản lý các đơn vị này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Cũng xin nói thêm, cơ chế cho phép các tổ chức CT-XH được hưởng ngân sách như ở nước ta hiện còn rất ít quốc gia áp dụng.

Vậy theo ông, để đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức CT-XH trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải làm gì?

- Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt lớn, nợ công tăng, việc cắt giảm chi tiêu, cơ cấu, tổ chức lại hoạt động của các tổ chức CT-XH trong lúc này là vô cùng cần thiết. Trước hết, cần minh bạch hóa chức năng, quyền hạn của các tổ chức này với cơ quan quản lý Nhà nước để tránh chồng chéo, trùng lắp.

Thứ hai, quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài chính của các tổ chức CT-XH; đồng thời phải có cơ chế giám sát hoạt động tài chính của các tổ chức này. 

Thứ ba, để tránh sự rườm rà, phức tạp ở hệ thống tổ chức cấp cơ sở, cần thiết phải gộp các tổ chức cấp xã, đặt dưới sự quản lý của MTTQ. Điều này giúp giảm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất ở cấp cơ sở cũng như xóa bỏ tư tưởng “hành chính hóa” với bộ máy ngày càng cồng kềnh.

Cuối cùng là giảm dần, tiến tới bỏ chế độ bao cấp, cơ chế xin - cho, tạo động lực đổi mới cho các tổ chức nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với chính sách cấp ngân sách hoạt động cho các hội đặc thù theo biên chế, chỉ cấp ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, thay vì cấp một lần dùng cho cả năm như hiện nay. 

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

NGUYỄN LỘC 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201