Thứ Sáu, 26/4/2024 - 06:16:25 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Gỡ “rào cản” để thu hút tư nhân tham gia đầu tư xử lý nước thải, chất thải

THỨ NĂM, 07/07/2022 22:29:21 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh NSNN còn hạn chế, việc thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn là một hướng đi triển vọng, nhằm huy động nguồn lực dồi dào của khối tư nhân để cùng Nhà nước cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đô thị.

 

Thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn sẽ giúp giảm áp lực lên NSNN - Ảnh minh họa: TTXVN


Thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải còn hạn chế

Chia sẻ về thực trạng xả thải chất thải rắn và nước thải tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn tại 45/63 tỉnh, thành phố là hơn 51.586 tấn/ngày. Trung bình mỗi năm, lượng chất thải rắn tăng khoảng từ 10% -16%; trong đó hơn 70% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Về lượng nước thải, tính đến cuối năm 2021, mỗi ngày cả nước xả thải 65.000 mét khối nước thải công nghiệp và khoảng 3.650 triệu mét khối nước thải sinh hoạt. Trong đó, gần 10% trong tổng số 290 khu công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và gần 90% trong tổng số gần 700 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Về cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý chất thải rắn và nước thải, theo ông Hiền, hiện nay các dự án trong lĩnh vực này chủ yếu được đầu tư từ nguồn NSNN và từ vốn vay ODA; nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn. Đơn cử, trong lĩnh vực xử lý nước thải, hiện cả nước có 69 dự án, trong đó có 53/69 dự án được triển khai từ nguồn vốn vay ODA, 2 dự án xây dựng theo hình thức BOT, 5 dự án xây dựng theo hình thức BT.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc thu hút khối tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án xử lý chất thải, nước thải còn hạn chế, ông Hiền cho rằng, hiện giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp, trong khi việc vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý đòi hỏi một nguồn kinh phí cao, liên tục; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, an toàn cho nhà đầu tư…

Đơn cử, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải là ngành nghề được ưu đãi đầu tư; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đưa xử lý nước thải, chất thải là các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể để áp dụng trên thực tế.

Rào cản nữa được ông Đoàn Tiến Giang - Chuyên gia về Hợp tác công tư, Dự án AEO của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chỉ ra liên quan đến vấn đề giải quyết bài toán tài chính. Cụ thể, nguồn thu phí từ người dân rất thấp và không đủ để bù đắp chi phí cho việc hoạt động của các dự án xử lý chất thải, nước thải, do đó, nhà đầu tư cần có sự hỗ trợ chi phí từ Nhà nước; cùng với đó nguồn cung thường không chắc chắn. “Vì vậy, làm thế nào để đưa ra dự báo và xây dựng các điều kiện trong hợp đồng PPP theo thực tế là một thách thức lớn” - ông Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, hợp đồng PPP phức tạp, thường yêu cầu cam kết ngân sách dài hạn từ 1 hoặc nhiều chính quyền địa phương. Vì vậy, nhà đầu tư lo ngại các cam kết hỗ trợ tài chính không được đảm bảo khi thay đổi nhiệm kỳ lãnh đạo địa phương hoặc chính sách thay đổi...

Chia sẻ thêm, bà Đặng Anh Thư - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, một trong những vướng mắc nổi cộm trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư là thời gian lựa chọn nhà đầu tư thường kéo dài và không hiệu quả, hầu hết các dự án hiện nay đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.

Hoàn thiện khung pháp lý để gia tăng thu hút vốn đầu tư tư nhân

Chia sẻ tại Tọa đàm “Mô hình hợp tác công tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và USAID tổ chức mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 95%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
 

Quang cảnh Tọa đàm “Mô hình hợp tác công tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam” được tổ chức mới đây. Ảnh: D.THIỆN


Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong gần 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, khoảng từ 10 - 20 tỷ USD. Do đó, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư để huy động nguồn lực dồi dào từ khu vực tư nhân chung sức cùng Nhà nước cải thiện chất lượng môi trường đô thị.

Đưa khuyến nghị cụ thể, ông Lộc cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để triển khai các dự án PPP; trong đó chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai... để thu hút đầu tư của tư nhân.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết thực thi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn; xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thầu quốc tế; hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu.

Ngoài ra, đối với nhà đầu tư được lựa chọn qua hình thức đấu thầu, Nhà nước và nhà đầu tư cần thương thảo các nội dung quan trọng, đặc biệt là phân chia trách nhiệm, cơ chế phối hợp.

Ông Đoàn Tiến Giang chia sẻ thêm, để thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn, Nhà nước cần có những giải pháp để giải quyết cân bằng bài toán tài chính; đảm bảo chắc chắn về nguồn cung; khắc phục những vướng mắc, bất cập về hợp đồng…/.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201