Thứ Năm, 25/4/2024 - 09:19:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Trao đổi, thảo luận về vấn đề quản lý rác thải, nước thải và vai trò của KTNN trong kiểm toán môi trường

THỨ SÁU, 20/09/2019 07:35:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sáng 19/9, sau phần khai mạc Hội thảo “Quản lý rác thải, nước thải vì sự phát triển bền vững và vai trò của KTNN”, dưới sự chủ trì của GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn, cũng như đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý môi trường; vai trò của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán môi trường và các giải pháp để KTNN tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng kiểm toán lĩnh vực này.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lê Hòa

Báo Kiểm toán xin trích đăng một số ý kiến trao đổi, thảo luận tiêu biểu tại Hội thảo.

PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn phải thừa nhận một thực tế là cùng với tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải ngày càng gia tăng, chất lượng môi trường ngày càng kém hơn; ô nhiễm môi trường với quy mô và mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Vẫn còn các khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt yêu cầu; còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để…

Thực tế này đang gây cản trở to lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa đến phát triển bền vững của đất nước… Những thách thức đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để hạn chế, kiểm soát, xử lý hiệu quả lượng chất thải phát sinh; nhận thức phải đi đôi với hành động, xem bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển bền vững đất nước, không đánh đổi môi trường lấy các lợi ích kinh tế.
 

PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh. Ảnh: Lê Hòa

Để quản lý chất thải ở Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế; quy hoạch và lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp; nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích hoạt động phân loại chất thải tại nguồn. Đặc biệt, Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Để làm được điều này, thời gian tới, cần tạo điều kiện để KTNN phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong kiểm toán môi trường.

TS. Lê Đức Luận - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII:

Theo ước tính, bình quân mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải và chất thải rắn thải ra môi trường, trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị mới đạt khoảng 86%. Việc xử lý chủ yếu theo hình thức chôn lấp, có khả năng ảnh hưởng, gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi. Trung bình một ngày có khoảng 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt đổ thải ra môi trường mà không được xử lý…
 

TS. Lê Đức Luận. Ảnh: Lê Hòa

Để kiểm soát ô nhiễm môi trường, cần huy động nguồn lực đầu tư xử lý, thu gom chất thải, rác thải. Qua kiểm toán tại các địa phương cho thấy, kinh phí xử lý rác thải của các công ty dịch vụ môi trường chủ yếu là từ ngân sách và thường chiếm khoảng 80%. Mức đóng góp của người dân còn hạn chế, mới chiếm khoảng 20%. Do vậy, cần đổi mới cơ chế thu hút đầu tư theo hướng tăng mức đóng góp của người dân.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải đô thị. Cần nghiên cứu xây dựng, ban hành các hướng dẫn, quy định phân loại và xử lý, trong đó có hướng dẫn, quy định về phân loại rác thải ngay tại nguồn; các kỹ thuật, quy trình, tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng xử lý, thu gom, vận chuyển rác thải, nước thải. Tập trung nguồn lực giải quyết những điểm nóng và những vấn đề cấp bách về chất thải ở địa phương. Tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, quá trình phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Hơn nữa, nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ mang tính chất “trình diễn” khi có các đoàn kiểm tra. Còn lại, những cơ sở này hoạt động xả thải trực tiếp ra môi trường hết công suất, gây hệ lụy khôn lường.
 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Lê Hòa

Để thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, nước thải ở Việt Nam, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về môi trường; tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế môi trường, nhất là thuế, phí và đặt cọc hoàn trả... Mặt khác, cần triển khai Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó lồng ghép bộ tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam.

Đồng thời thành lập và duy trì hoạt động có hiệu lực, hiệu quả các tổ giám sát và đường dây nóng phản ánh vi phạm môi trường về rác thải và nước thải, nhằm chủ động tiếp cận thông tin, kiểm soát tình hình và xử lý nghiêm các điểm nóng về môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thế hệ và trách nhiệm của các DN…

Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN):

Thực tế hiện nay, các cuộc kiểm toán chất thải, rác thải chưa được triển khai một cách mạnh mẽ, chưa đạt được hiệu quả mong muốn do một số một số khó khăn liên quan đến căn cứ pháp lý cho kiểm toán môi trường; các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; các đơn vị được kiểm toán chưa nhận thức được vai trò của KTNN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
 

Ông Ngô Minh Kiểm. Ảnh: Lê Hòa

Do đó, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thực hiện kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán chất thải nói riêng. Trong đó, nghiên cứu và đề xuất thể chế hóa cơ sở pháp lý, quy định KTNN có chức năng kiểm toán môi trường theo luật định để tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán môi trường; đồng thời, bổ sung các quy định trong Luật KTNN về đối tượng kiểm toán của KTNN, đặc biệt là quy định các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm phối hợp, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác kiểm toán môi trường của KTNN, đảm bảo cho hoạt động kiểm toán môi trường được thực hiện đầy đủ và thuận lợi; quy định tăng thời hạn tối đa cho các cuộc kiểm toán hoạt động để đảm bảo nâng cao chất lượng kiểm toán.

PGS,TS. Bùi Quốc Lập - Trường Đại học Thủy lợi:

Trong số các nước phát triển, Nhật Bản nổi lên như một trong số các quốc gia coi trọng bảo vệ môi trường vì sự nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Singapore cũng được xem là một hình mẫu về tăng trưởng bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, xử lý tốt vấn đề rác thải; Hàn Quốc và Thái Lan với các chương trình có sự hỗ trợ của Chính phủ về tái chế chất thải nên đã tương đối thành công trong công tác bảo vệ môi trường.
 

PGS,TS. Bùi Quốc Lập. Ảnh: Lê Hòa

Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến thành công trong công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải tại Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc. Qua học hỏi kinh nghiệm thực thi các chính sách cũng như thực thi của các nước trên thế giới, để nâng cao hiệu quả công tác này, Việt Nam cần tiến hành ngay việc phân loại tại nguồn đối với tất cả các loại chất thải; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu; tăng cường đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường, tìm kiếm các công nghệ phù hợp.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ phù hợp; xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Nguyên Hiền - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM:

Đánh giá về thực trạng pháp lý trong công tác kiểm toán môi trường, tôi nhận thấy khung pháp lý, cũng như đối tượng kiểm toán môi trường chưa được rõ ràng. Về khung pháp lý đối với kiểm toán môi trường, tôi đã được tiếp cận qua Luật KTNN. Hiện nay, trước một số bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, Bộ TN&MT đang dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
 

Ông Trần Nguyên Hiền. Ảnh: Lê Hòa

Theo đó, khung pháp lý về kiểm toán môi trường cũng được lồng ghép vào khung pháp lý bảo vệ môi trường, điều này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình triển khai. Bên cạnh đó, Luật cũng đề cập đến giám sát môi trường, quản lý chất thải, nhưng chưa quy định về sự giám sát các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, do đó, cần lồng ghép để đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ. Tôi cho rằng, tại các địa phương, khi kiểm toán môi trường thì không chỉ chú trọng vào kiểm toán các chất thải phát sinh ra mà quan trọng là làm sao có những giải pháp, kiến nghị giảm chất thải ra môi trường để giảm thiểu việc xử lý. Đồng thời, cần tăng cường kiểm toán trong môi trường trong các hoạt động đầu tư, như kiểm toán vật liệu, kiểm toán năng lượng, để đánh giá hiệu quả giảm thiểu chất thải.

Tại TP.HCM, công tác bảo vệ môi trường dưới áp lực đô thị hóa rất nặng nề. Vì thế, bảo vệ môi trường được xác định là 1 trong 7 lĩnh vực mà TP.HCM phải đột phá. Đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình. Sự phối hợp của KTNN để đánh giá tình hình môi trường, tình hình chất thải trên địa bàn là rất quan trọng.

H.THOAN - L.HÒA thực hiện

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201