Thứ Tư, 24/4/2024 - 02:21:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Gian nan bảo vệ rừng phòng hộ

THỨ BA, 19/12/2017 09:15:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Rừng phòng hộ có ý nghĩa đặc biệt trong việc giữ đất, giữ nước, hạn chế xói mòn, thiên tai... Song trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến rừng phòng hộ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bị xâm phá, suy giảm, mất mát nghiêm trọng.

1,7 triệu ha rừng phòng hộ biến mất sau 10 năm

Khác với tính chuyên biệt của rừng đặc dụng và rừng sản xuất, rừng phòng hộ Việt Nam đặc trưng bởi tính đa mục đích, đảm nhận các chức năng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai và điều hòa khí hậu. Đồng thời, rừng phòng hộ còn cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đời sống cộng đồng khu vực ven rừng. Tuy nhiên, so với rừng đặc dụng và rừng sản xuất thì rừng phòng hộ là đối tượng bị xâm hại, suy giảm nghiêm trọng nhất. 

Kết quả đánh giá qua nhiều năm cho thấy, dù tổng diện tích rừng của Việt Nam tăng thuần, từ 12,3 triệu ha năm 2004 lên trên 14 triệu ha năm 2016, nhưng rừng phòng hộ lại là đối tượng có những biến động âm lớn nhất về diện tích trong 3 loại rừng. Tình trạng rừng phòng hộ đầu nguồn bị xâm phá, suy giảm không còn mang tính cục bộ, thậm chí nhiều điểm nóng phá rừng nghiêm trọng ở khu vực Tây Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo thống kê của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, chỉ tính từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu ha, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm. Hiện nay, nước ta chỉ còn hơn 4,5 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 60% là rừng tự nhiên. Từ năm 2004 đến hết năm 2012, diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng có xu hướng tăng dần, nhưng đến năm 2013 lại bắt đầu giảm mạnh.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Hải Vân - Phòng nghiên cứu Trung tâm Con người và Thiên nhiên - cho biết: Trong 59 Ban quản lý rừng phòng hộ thuộc phạm vi đánh giá đã có tất cả 168 lần thay đổi diện tích, trong đó có 118 lần giảm diện tích. Nguyên nhân là do rà soát thay đổi quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như làm thủy điện, khoáng sản... Bà Vân cũng nhấn mạnh, chất lượng rừng phòng hộ hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phòng hộ.

Trả lại đúng vai trò của rừng phòng hộ

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng mất rừng phòng hộ trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc phá rừng trái phép và bị chuyển đổi mục đích sử dụng là tác động chủ yếu. Theo điều tra, trong tổng số 47.368 ha rừng phòng hộ bị chuyển đổi thì gần 50% là dành đất cho mục đích xây dựng thuỷ điện và khai khoáng. Một nguyên nhân lớn khác là việc đáp ứng nhu cầu đất sản xuất ở địa phương khiến một phần diện tích rừng phòng hộ bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Vụ Quản lý Rừng đặc dụng và Rừng phòng hộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Hầu hết các Ban quản lý rừng phòng hộ hiện vẫn chưa tiến hành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong khi đó, việc xử lý hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng của một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Có trường hợp xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe, điều đó dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. 

Ông Mai Văn Đảm - Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành - Thanh Hóa - cũng chia sẻ: Diện tích rừng lớn nhưng lực lượng bảo vệ rừng ít, mỏng, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị, thu nhập rất thấp. Một Ban quản lý thường được giao bảo vệ 5.000 - 10.000 ha nhưng biên chế chỉ 10 người và phải hợp đồng thêm 10 người nữa, trong khi nguồn kinh phí của đơn vị sự nghiệp rất hạn chế nên lương chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Còn theo bà Nguyễn Hải Vân,  nguyên nhân sâu xa hơn là vai trò của rừng phòng hộ chưa được đánh giá đúng. Nếu như rừng đặc dụng chỉ tập trung toàn bộ cho mục tiêu bảo tồn lâu dài, rừng sản xuất hướng tới mục tiêu sử dụng tài nguyên và khai thác gỗ, đem lại lợi ích kinh tế thì rừng phòng hộ mang tính đa mục đích hơn. Nhưng hiện nay, rừng phòng hộ lại đang bị xem nhẹ hơn mục đích về kinh tế. “Đây là tư duy cần thay đổi trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, vai trò về phòng hộ và đảm bảo an ninh môi trường vô cùng quan trọng” - bà Vân nhấn mạnh.

Đưa ra những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mất rừng phòng hộ, ông Nguyễn Danh Đàn - đại diện Dự án JICA 2 (Nhật Bản) - nhấn mạnh: Cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố có rừng phòng hộ, Ban quản lý các khu rừng phòng hộ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết những bất cập, hạn chế liên quan đến công tác bảo vệ rừng. 

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Hưng cũng cho rằng: Để góp phần quản lý tốt diện tích rừng phòng hộ, cần huy động nguồn vốn xã hội; gia tăng giá trị của ngành. Đồng thời, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan liên quan trong bảo vệ rừng.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 14-12-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201