Thứ Tư, 24/4/2024 - 06:46:38 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cân bằng ba trụ cột: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội

THỨ TƯ, 01/11/2017 09:05:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - Ông BLUCER WELINGTON RAJAGUKGUK - Trưởng Dự án kiểm toán đất đai và khoáng sản, Ủy ban Kiểm toán Indonesia trả lời phỏng vấn của Đặc san Kiểm toán


Thưa ông, “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” sẽ là chủ đề của Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14. Ông đánh giá thế nào về chủ đề được lựa chọn lần này?

Tôi cho rằng, sự lựa chọn chủ đề cho Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 của KTNN Việt Nam tại Đại hội ASOSAI 14 là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung của khu vực kiểm toán công hiện tại. Vấn đề quan trọng là làm sao chúng ta có thể đào sâu hơn nữa về chủ đề này. Theo Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân là ba trụ cột lớn trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia.

Việc cân bằng giữa ba trụ cột này luôn là vấn đề mấu chốt. Chúng ta không thể hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng. Tuy nhiên trên thực tế, với các quốc gia ở châu Á và châu Phi, tăng trưởng kinh tế lại đang là yêu cầu cấp thiết nên họ sẽ mong muốn phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường. Bởi vậy khi kiểm toán, chúng ta phải xem xét, đánh giá hệ thống chỉ tiêu tại các quốc gia này có đạt được SDG hay không. Tôi nghĩ, đây là những vấn đề mà Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 tới nên tập trung.

 

Ông BLUCER WELINGTON RAJAGUKGUK
Hiện nay, nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên và những vấn đề ô nhiễm khác đều xuất phát từ sự mất cân bằng giữa ba trụ cột, gồm: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân. Hầu hết, các hoạt động kinh tế đều sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu thô như: gỗ cho lĩnh vực xây dựng, than đá cho lĩnh vực dầu khí, động thực vật trong rừng cho ngành y tế và thủ công mỹ nghệ…

Việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên này cũng gây ra những tác động xấu tới môi trường, từ đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và phúc lợi của người dân. Hơn nữa, những tác động đó không chỉ sẽ ảnh hưởng đến thế hệ ngày nay mà với cả những thế hệ mai sau. Do vậy, việc cân bằng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội cho người dân cần phải được duy trì liên tục để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững cũng như giảm nhẹ những tác động xấu có thể xảy ra.

Thời gian qua, Ủy ban Kiểm toán Indonesia (BPK) đã tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai và khoáng sản, mục tiêu cốt yếu cũng là để cân bằng được ba trụ cột nói trên. 

Xin ông chia sẻ một số thông tin cụ thể hơn về các cuộc kiểm toán này?

Ở Indonesia, khi kiểm toán tài nguyên đất đai và khoáng sản, chúng tôi chú trọng vào hai loại hình kiểm toán chính là kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ. 

Về kiểm toán báo cáo tài chính, chúng tôi xem xét các khoản mà công ty nhà nước phải trả cho Chính phủ khi có những hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản. Cụ thể là chúng tôi sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, chẳng hạn, số tiền và thời điểm trả tiền của công ty đó có được thực hiện đúng như quy định hay không. Nếu trả muộn, chúng tôi sẽ có kiến nghị về những khoản tiền phạt. 

Về kiểm toán tuân thủ, chúng tôi đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật, pháp lý đối với việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản của các công ty này. 

Một trong những nội dung quan trọng của các quy định về bảo vệ môi trường là việc các công ty phải trả một khoản phí để cải tạo đất đai sau quá trình khai thác, sử dụng mỏ. Khoản phí này rất quan trọng, bởi quá trình khai thác mỏ sẽ gây ra những tác động về môi trường, đặc biệt là đối với rừng phòng hộ. Thực tế, theo quy định của pháp luật, rừng phòng hộ là nơi cấm khai thác. Bởi vậy, kiểm toán viên phải tìm hiểu và rất khó để nhìn thấy những bằng chứng bằng mắt thường. Nhưng đấy là yêu cầu buộc kiểm toán viên phải phát hiện ra. Ở một khía cạnh khác, kiểm toán cũng phải tìm ra các ảnh hưởng, các tác động xấu của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đối với chất lượng nguồn nước, không khí và đất đai.

Kết quả của những cuộc kiểm toán này tác động như thế nào đến vấn đề thay đổi chính sách cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội ở Indonesia, thưa ông?

Các cuộc kiểm toán tài nguyên đất đai và khoáng sản mà BPK thực hiện tác động trên 2 khía cạnh chính:

Một là làm tăng các nguồn thu cho Chính phủ. Điều này sẽ tác động đến cộng đồng khi các nguồn thu của Chính phủ tăng lên, xã hội sẽ có thêm nhiều dự toán để sử dụng cho các chương trình khác nhau.

Hai là xã hội và người dân sẽ có môi trường sống trong sạch và an toàn hơn, bởi các công ty, DN được kiểm toán đều biết rằng, BPK sẽ tới kiểm tra, đánh giá các hoạt động của họ theo luật định. Điều này cũng giống như việc chúng ta vào siêu thị, sẽ có hệ thống camera giám sát. Cho nên, người mua hàng sẽ không thể trộm cắp. 

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, các cuộc kiểm toán này sẽ không tác động, ảnh hưởng ngay tức khắc mà nó cần thời gian để kiểm chứng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, có làm sẽ tốt hơn không, vì ít nhất sau những kiến nghị kiểm toán mà chúng tôi đưa ra, các đơn vị được kiểm toán sẽ phải có những động thái khắc phục, sửa chữa. Chẳng hạn, sau khi BPK kiểm toán, một công ty đã phải trả 1 triệu USD cho Chính phủ vì những vi phạm của họ trong quản lý, khai tác tài nguyên khoáng sản. Việc trả tiền này là vì công ty đó muốn tránh những điều không tốt về danh tiếng, cũng như việc họ sẽ bị đưa vào “danh sách đen”. Khi đó, họ không thể làm ăn cũng như không thể “chơi” được với ai. 
 
Vậy Chính phủ Indonesia nói chung và BPK nói riêng đã có những giải pháp như thế nào cho vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững?

Chính phủ Indonesia nói chung và BPK nói riêng đã có hệ thống và cơ chế riêng nhằm thúc đẩy sự phát triển của môi trường sinh thái cũng như việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Những cơ chế này được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy lợi ích của việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường vì sự phát triển của quốc gia mà còn giúp giảm nhẹ rủi ro của việc gia tăng hành vi tàn phá môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng ký kết nhiều thỏa thuận đa phương về môi trường cùng nhiều chính sách và các quy định có liên quan đến SDG, làm nền tảng cho việc quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. 

Ở cấp quốc gia, thông qua công tác kiểm toán môi trường, các SAI có thể xem xét các tiêu chí của SDG, bao gồm tính tuân thủ các quy định và chính sách để hướng tới phát triển bền vững, góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Ở cấp khu vực và toàn cầu, các SAI có thể góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc phối hợp với nhau cũng như với các tổ chức quốc tế khác nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động kiểm toán môi trường, từ đó cải thiện tính bền vững của công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên trong mỗi quốc gia.

Hy vọng rằng, thông qua việc sửa đổi các cơ chế, quy định hiện hành, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu cân bằng ba trụ cột: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội.

Xin chân thành cảm ơn ông!

XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số tháng 10/2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201