Thứ Hai, 6/5/2024 - 07:52:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch

THỨ HAI, 19/11/2018 16:05:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Đó là nhận định của ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo chuyên đề về Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN ngày 19/11. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là, nhiều DN sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả.

 

Tải ảnhĐại diện Bộ Tài chính - Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN trao đổi với báo chí ngày 19/11.

Cuộc họp báo này do Bộ Tài chính phối hợp với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức để phục vụ Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ diễn ra vào ngày 21/11, tại Hà Nội.

Cả cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đều chậm, có khả năng không đạt kế hoạch

Ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết: Theo kế hoạch, năm 2018, cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 DN. Tuy nhiên, đến ngày 10/9 mới cổ phần hóa được 11 DN, trong đó chỉ có 2 DN thuộc danh sách năm 2017 và chưa có DN nào thuộc danh sách 2018. Ông Tiến nhận định: tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng qua còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch. Trong đó, theo kế hoạch, TP.HCM phải cổ phần hóa 39 DN, chiếm 44% tổng số DN phải thực hiện cổ phần hóa trong năm, TP Hà Nội phải cổ phần hóa 14 DN, chiếm 16% tổng số DN phải thực hiện cổ phần hóa chưa triển khai được đơn vị nào.

Về thoái vốn, năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch- ông Tiến cho biết thêm.

Nhiều DN sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả

Mặc dù tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2018 chậm nhưng ông Đặng Quyết Tiến cho biết: tổng hợp kết quả hoạt động của các DN sau cổ phần hóa cho thấy, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp NSNN, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.

Cụ thể, giai đoạn trước năm 2015: kết quả hoạt động của trên 300 DN sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%. Điển hình như Công ty CP Giống cây trồng trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần. Công ty CP Sữa Việt Nam có doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần.

Năm 2017, theo báo cáo của 294 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (các số liệu so sánh xét trong cùng số lượng 294 DN cổ phần hiện có năm 2016) thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016; Tổng số nợ phải trả của các DN cổ phần theo báo cáo hợp nhất là 337.627 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần năm 2017 là 210.035 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016; tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11% so với số thực hiện năm 2016…

Như vậy có thể thấy, các DN sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Tuy nhiên, có một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty Cổ phần Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

Ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho rằng, tại nhiều sau cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp NSNN, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng. Điều này tiếp tục khẳng định việc cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Tuy nhiên, DNNN vẫn cần “đổi mới và nâng cao hiệu quả” (chủ đề của Hội nghị được tổ chức ngày 21/11). Điều này cho thấy, hiệu quả của DNNN vẫn chưa tương xứng với nguồn lực hiện có. Giải pháp để thực hiện việc này là cổ phần hóa và thoái vốn để thay đổi mô hình quản trị, để công khai nhất, minh bạch nhất và đạt hiệu quả cao nhất.

Chậm cổ phần hóa, thoái vốn: Nguyên nhân chủ quan là chính

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì nguyên nhân chủ quan là chính, đó là:

Một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc trong việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Một số DNNN chậm sửa, đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên- nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

12 giải pháp để đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ 12 nhóm giải pháp, như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và DN có vốn nhà nước.

Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai, trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm…
THÙY ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201