Thứ Bảy, 27/4/2024 - 17:43:09 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Mạnh tay bãi bỏ quy định “trói buộc” doanh nghiệp

THỨ HAI, 05/02/2018 10:05:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Góp ý cho Dự thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn duy trì những quy định hành chính vô lý, gây khó khăn, trở ngại đối với DN và người dân.

Nhiều quy định bất hợp lý

Nghị định 86 được ban hành từ năm 2014, đến nay đã lộ rõ những bất cập. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề từ những khiếm khuyết của cả hệ thống các cơ quan nhà nước lẫn các đối tượng thi hành liên quan, sự lỗi thời của các quy định so với cuộc sống và nhu cầu thực tế của DN. Vì vậy, Bộ GTVT đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, trong đó thể hiện một số đổi mới về tư duy, cải thiện cách thức quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, xóa bỏ một số quy định trói buộc DN. 

Tuy nhiên, tại Hội thảo: “Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã thẳng thắn nhận định, Nghị định mới vẫn còn nhiều điều kiện vô lý với DN. Chẳng hạn như: lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh; trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở GTVT là nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các thông tin của chuyến đi… 

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định còn thể hiện sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế như: DN, hợp tác xã, cá thể... Nghị định mới chỉ quan tâm đến lĩnh vực quản lý nhà nước về vận tải, chưa quan tâm tới tác động đến người tiêu dùng, cũng như định hướng sự phát triển của vận tải trong tương lai.  

Đại diện cho Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, ông Trần Đức Nghĩa cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp và chưa tạo thuận lợi cho DN. Lấy ví dụ về sự không phù hợp của Điểm a, Khoản 5, Điều 12 quy định “đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh”, ông Nghĩa nhìn nhận, quy định này có thể đúng với vận tải hành khách, nhưng không phù hợp cho vận tải hàng hóa. Bởi trên thực tế, tất cả những nơi đỗ xe đều phải tuân thủ các quy định tương tự như quy định ở văn bản Dự thảo này và được quản lý bởi chính quyền địa phương.

Cần có phương pháp tiếp cận mới

Trước những hạn chế của Dự thảo Nghị định, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng Lê Văn Tiến cho rằng, Dự thảo Nghị định cần thay đổi một số nội dung cho phù hợp, như Điều 9 quy định: “Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa”. Theo ông Tiến, quy định này không cần thiết vì tất cả hàng hóa lưu thông trên đường đều phải có một hoặc nhiều loại giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp và là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển với người vận chuyển. 

Mặt khác, trong thực tiễn hoạt động vận tải, hàng hóa, xe và lái xe không về trụ sở DN, thậm chí không về nơi đỗ xe tập trung của DN trong thời gian xe đang khai thác. Đơn cử như DN ở Hải Phòng nhưng xe hoạt động tuyến đường Quảng Ninh - Hà Nội - Thanh Hoá… cả tuần mới về trụ sở thì việc cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng là không phù hợp. Do vậy, quy định này chỉ làm tăng chi phí cho DN và không có ý nghĩa thực tiễn vì DN thường đối phó bằng việc ký khống nhiều Giấy vận tải cho lái xe sử dụng. 

Đề xuất sửa đổi Dự thảo Nghị định, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách cần phải có tầm nhìn xa, không thể áp dụng cái mới theo khung của cái cũ. Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về vấn đề này, ông Hiếu cho biết, trong giai đoạn năm 2013-2015, nhiều nước như Anh, Singapore, Hoa Kỳ, Canada… thực hiện đánh giá lại hệ thống pháp luật về giao thông.

Qua đó, họ đều chỉ ra những điểm rất đáng học hỏi như các chính sách về giao thông thể hiện tầm nhìn dài hạn; coi lĩnh vực vận tải trở thành lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và sự thịnh vượng; đặt lợi ích của người tiêu dùng làm nền tảng thiết kế ra quy định…

Từ đó, ông Hiếu nêu quan điểm, khi sửa Nghị định 86 phải có một phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới. Trong đó, cơ quan soạn thảo cần tách bạch mục tiêu an toàn trật tự giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải; xóa bỏ tư duy áp đặt, các phương thức kinh doanh được thay đổi linh hoạt và cạnh tranh sòng phẳng; lấy sáng tạo kinh doanh hiệu quả làm cơ sở để bãi bỏ cách làm cũ trói buộc, hạn chế sự phát triển của DN…

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 05 ra ngày 01-02-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201