Thứ Hai, 29/4/2024 - 23:06:00 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Để doanh nghiệp không còn lo ngại về hóa đơn điện tử

THỨ BA, 05/12/2017 13:00:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Hóa đơn điện tử (HĐĐT) được kỳ vọng là sẽ tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường kinh doanh giúp DN và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự chuyển đổi này chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi, bởi không ít DN vẫn ngại minh bạch, không muốn thay đổi và tìm cách trì hoãn việc triển khai. Tình trạng trên đòi hỏi ngành thuế phải hành động quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khi lộ trình thực hiện HĐĐT đang đến gần.


Lợi ích rất rõ ràng

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ ra hơn 1.000 đồng/hóa đơn, và với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm như hiện nay thì chi phí mỗi năm cho hình thức này sẽ lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng HĐĐT, các DN có thể tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng/năm. 

Tại buổi tọa đàm “Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, HĐĐT được manh nha hình thành và triển khai từ nhiều năm nay. Trên thực tế, sự cải cách này đã đem lại sự thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. 

Về phía cơ quan thuế, cái lợi lớn nhất mà ngành thuế có được là cơ sở dữ liệu đầy đủ về toàn bộ các hoạt động giao dịch mua bán, quản lý thuế, công tác kiểm tra, đối chiếu, rà soát, cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn. Đồng thời, nhiều giải pháp công nghệ sẽ được triển khai để cung cấp dịch vụ tra cứu, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng khác về quản lý thị trường, điều tra chống gian lận thương mại… Khi có cơ sở dữ liệu về thuế, ngành thuế sẽ đủ điều kiện để thống kê, đánh giá toàn bộ các hoạt động mua bán trên thị trường.

Đối với người nộp thuế, trước đây quá trình lập hóa đơn chỉ mang tính thủ công, đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, DN hoàn toàn có thể xuất HĐĐT của DN mình. Theo đó, toàn bộ hệ thống lưu trữ, vận chuyển, chuyển nhận HĐĐT đều được thực hiện qua kênh điện tử. Như vậy, HĐĐT tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho người nộp thuế; việc sử dụng, bảo quản, lưu trữ hóa đơn cũng tốt hơn, tiện lợi hơn rất nhiều so với hóa đơn giấy. 

Đồng quan điểm nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, việc khai báo, sử dụng hóa đơn giấy cần rất nhiều thủ tục hành chính, trong khi đó, với thủ tục đăng kí gọn nhẹ, HĐĐT sẽ giảm thiểu được quá trình này và cũng tránh rủi ro cho DN. Bên cạnh đó, HĐĐT còn giúp DN minh bạch trong giao dịch, giảm thất thu ngân sách, giúp môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm rủi ro về hóa đơn giả cũng như những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được.

Đó là chưa kể đến việc tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm khi DN không phải in hóa đơn giấy. Với cơ quan thuế, việc áp dụng HĐĐT cũng giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý trong khâu cử người đi xác minh hóa đơn. Đấy chính là những lợi ích to lớn mà HĐĐT có thể mang lại.

Tại sao doanh nghiệp vẫn lo ngại?

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, đến hết tháng 6/2017, khoảng 2.700 DN đã sử dụng HĐĐT với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận. Con số này được các chuyên gia đánh giá là rất khiêm tốn so với 581.875 DN đang hoạt động hiện nay. Theo ông Đậu Anh Tuấn, xu hướng áp dụng HĐĐT đang diễn ra rất mạnh mẽ, tiên phong áp dụng hình thức này chính là những công ty, tập đoàn lớn. Số DN còn lại hoặc là chưa chuyển đổi, ngại chuyển đổi, hoặc là còn rất nhiều lo ngại, băn khoăn.

Điều đầu tiên khiến DN lo ngại là sự phù hợp của việc áp dụng công nghệ thông tin, nhất là trong bối cảnh DN vẫn thường xuyên gặp tình trạng nghẽn mạng khi kê khai thuế điện tử. Theo điều tra của VCCI đối với các DN tại 63 tỉnh, thành phố, một trong những hạn chế lớn nhất khi kê khai thuế điện tử là tình trạng cuối kỳ thường bị nghẽn, tạo ra khó khăn nhất định và gây thiệt hại cho DN.

Lo ngại thứ hai là sự kết nối giữa các cơ quan thuế, thị trường, hải quan, ngân hàng còn rời rạc. Đây là yêu cầu rất quan trọng, bởi nếu hệ thống kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn phân mảnh thì DN sẽ là đối tượng thiệt hại đầu tiên. 

Lo ngại thứ ba là về chi phí. Đối với các DN nhỏ, doanh thu thấp, việc trả chi phí cao hằng năm cho tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng sẽ tạo gánh nặng lớn. Các DN mong muốn tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến HĐĐT sẽ áp dụng công nghệ tốt nhất, nhưng không độc quyền mà nên có sự cạnh tranh lành mạnh để cung cấp cho DN dịch vụ tốt, chi phí hợp lý và phù hợp với từng đối tượng sử dụng khác nhau.

Lo ngại thứ tư là về lộ trình áp dụng. Theo Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính, từ ngày 01/01/2018, HĐĐT sẽ áp dụng ngay đối với các DN nguy cơ rủi ro cao, và từ 01/7/2018 sẽ áp dụng với các DN còn lại. Trước yêu cầu này, nhiều DN đã bày tỏ sự băn khoăn về việc có nên giãn lộ trình để thực hiện từng bước và thận trọng. 

Ngoài ra DN cũng thắc mắc, khi đã áp dụng HĐĐT thì trong trường hợp cần thiết, việc kết nối với hệ thống hóa đơn giấy hiện tại sẽ như thế nào. Vì vậy, cơ quan thuế cần lường trước các rủi ro có thể phát sinh. 

Ngành thuế đã sẵn sàng các biện pháp dự phòng để doanh nghiệp không bị ảnh hưởng

Trả lời cho những băn khoăn nêu trên, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, Tổng cục Thuế đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của DN. Thực tế thời gian qua, ngành thuế cũng đã triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến việc áp dụng công nghệ thông tin, từ đăng ký, kê khai  đến hoàn thuế điện tử, và lộ trình tiếp theo là HĐĐT. Khi triển khai, ngành thuế luôn đặt vấn đề về hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất và trang thiết bị lên hàng đầu.

Đối với tính thông suốt của hệ thống, khác với việc kê khai nộp thuế, hoạt động HĐĐT diễn ra thường xuyên hằng này, hàng giờ nên không cần lo lắng về hệ thống mạng. Chúng ta có quy định thời hạn kê khai nộp thuế trước ngày 20 hằng tháng nên dường như các DN đều đợi sát ngày đó mới làm, gây ra tình trạng nghẽn mạng. Muốn khắc phục điều này, bản thân DN phải thay đổi về thời gian kê khai nộp thuế.

Trong quá trình lập hóa đơn, DN không thể tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn. Bởi vậy, cơ quan thuế sẽ cung cấp các tính năng sửa hóa đơn, hủy hóa đơn để DN dễ dàng sử dụng, tuy nhiên, việc thực hiện phải theo đúng quy định và cơ quan chức năng có thể kiểm tra lại việc sửa chữa đó. Còn về lưu trữ, bản thân DN có thể tự lưu trữ ngay tại DN, hoặc lưu trữ trên hệ thống của ngành thuế với cơ sở dữ liệu chung có khả năng lưu trữ không giới hạn về mặt thời gian.

Về lộ trình, Tổng cục Thuế sẽ cân nhắc phương án điều chỉnh thời điểm thực hiện chính thức để phù hợp hơn với DN, cụ thể là sẽ trình Bộ Tài chính và Chính phủ cho lùi lại đến ngày 01/7/2019.

Ông Nguyễn Đại Trí cũng cho biết thêm, việc xây dựng HĐĐT không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hóa đơn giấy. Đối với các DN, các cơ quan nhà nước, ngành thuế phải nhận biết được trường hợp nào được dùng hóa đơn giấy, trường hợp nào không, càng không thể tùy tiện làm giảm giá trị của hệ thống chúng ta vừa xây dựng. “Cách làm của ngành thuế là luôn có biện pháp dự phòng để mọi hoạt động của DN không bị ảnh hưởng” - ông Trí khẳng định.

Lạc quan về kế hoạch áp dụng HĐĐT của Tổng cục Thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, những giao dịch dù nhỏ, nếu được áp dụng công nghệ thông tin một cách bài bản thì đều mang lại sự thay đổi lớn cho hoạt động kinh doanh của DN. Ban đầu DN cần bỏ ra một khoản đầu tư, nhưng những khoản tiết kiệm chi phí sẽ có lợi nhiều về sau, bởi khi mọi giao dịch đều được điện tử hóa, DN không phải đầu tư nhiều nhân lực và thời gian. Lợi ích của việc áp dụng này là điều rất quan trọng. DN cần hiểu rằng, để áp dụng thành công HĐĐT thì trách nhiệm thuộc về cả hai phía. Cơ quan quản lý nhà nước cần phát triển hạ tầng, có phương án phù hợp, có hệ thống pháp lý đầy đủ, còn các DN thì cần định hướng rõ ràng đối với việc áp dụng công nghệ thông tin, trong đó việc sử dụng HĐĐT là xu hướng không thể đảo ngược. 

Theo ông Tuấn, khi áp dụng HĐĐT, trước mắt các hộ kinh doanh và DN nhỏ sẽ gặp khó khăn, nhưng người dân cần ủng hộ định hướng này của Chính phủ và Tổng cục Thuế. Tới đây, không chỉ riêng ngành thuế mà nhiều cơ quan, Bộ, ngành khác cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Như vậy, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chuyển động nhanh và mang lại nhiều lợi ích lớn.

NGUYỄN LY
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201