Thứ Ba, 16/4/2024 - 13:04:06 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Năm yếu tố cấu thành chiến lược kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp

THỨ BA, 15/06/2021 14:20:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Để nắm bắt những lợi thế cạnh tranh, hướng tới tăng trưởng bền vững, DN cần một chiến lược với mục đích nhất quán, rõ ràng. Thông qua các cuộc khảo sát gần đây, các chuyên gia của EY đã nhấn mạnh vào 5 yếu tố cấu thành quan trọng của chiến lược tăng trưởng có mục đích.


 
Niềm tin là cầu nối để giữ chân khách hàng

Trong một môi trường ảo siêu kết nối ngày nay, niềm tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó là cầu nối để giữ chân khách hàng. Niềm tin cũng là một loại tiền tệ quan trọng trong một thế giới vô hình - nơi mà thương hiệu, sự đổi mới và nguồn nhân lực đôi khi có giá trị lớn hơn tài sản vật chất.

Khảo sát của EY cho thấy, 66% các nhà lãnh đạo và thành viên hội đồng quản trị châu Âu tin rằng Covid-19 đã làm tăng kỳ vọng của các bên liên quan trong việc thúc đẩy tác động xã hội, tính bền vững môi trường và nhu cầu đo lường về những vấn đề này trong báo cáo tài chính. Tầm quan trọng của niềm tin đã buộc các CEO phải xem xét lại báo cáo của công ty, trong đó tính minh bạch trở thành chiến lược nhằm xây dựng và củng cố lòng tin với các bên liên quan.

Để nuôi dưỡng niềm tin lớn hơn cho DN, các chuyên gia của EY khuyến nghị DN nên tích hợp các chỉ số phi tài chính vào chiến lược của mình thay vì một báo cáo chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn tuân thủ. Bên cạnh đó, DN cần lắng nghe và hiểu nhu cầu cũng như kỳ vọng đang thay đổi của các bên liên quan nhằm thiết lập lại nền tảng chiến lược của mình. Đồng thời, DN trình bày rõ ràng, minh bạch các mục tiêu ngắn hạn/dài hạn cho các bên liên quan, liên kết họ với chiến lược và phân công trách nhiệm giải trình rõ ràng.

Thương mại - dòng chảy liên tục thay đổi

Căng thẳng địa chính trị đã gây áp lực lên đội ngũ lãnh đạo DN, buộc họ phải liên tục đánh giá lại chuỗi cung ứng, ra quyết định và phương pháp tiếp cận mới để xây dựng khả năng phục hồi cho DN. Ngoài ra, Covid-19 đã hình thành các luồng thương mại mới trên phạm vi khu vực và toàn cầu và nhiều công ty đang cấu hình lại chuỗi cung ứng của họ dựa trên kinh nghiệm trong thời gian qua.

Các rào cản xung quanh thương mại và FDI cũng có thể khuyến khích sự phát triển của các chuỗi cung ứng manh mún và phân tán về mặt địa lý, thay vì các chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu. Vì vậy, DN cần xem xét nhu cầu thích ứng thông minh của chuỗi cung ứng để tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc và thay đổi áp dụng các bài học từ những ngày đầu của đại dịch.

Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi với tốc độ khác nhau, các DN cần tập trung vào chiến lược tăng trưởng có mục đích. Đồng thời, phải đưa ra phán đoán chính xác về việc nên đầu tư vào các hoạt động hiện tại nhằm chuyển sang thị trường mới hay mua tài sản để đạt được mục tiêu thâm nhập thị trường nhanh chóng.

Đưa ra khuyến nghị cho DN, EY nhấn mạnh rằng các CEO cần hiểu về xu hướng (toàn cầu hóa, công nghệ, nhân khẩu học và môi trường), đồng thời theo dõi các lực lượng này sẽ tác động như thế nào đến DN. Ngoài ra, cần xác định rủi ro một cách tổng thể hơn và phát triển một chiến lược linh hoạt để giảm thiểu rủi ro.

Công nghệ - cuộc cách mạng chỉ mới bắt đầu

Theo khảo sát CEO Imperative của EY, 68% CEO đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào dữ liệu và công nghệ. Hơn nữa, 63% tiết lộ rằng việc tăng tốc công nghệ và đổi mới kỹ thuật số đang có tác động lớn nhất đến công ty của họ. Tuy nhiên, chỉ 34% CEO nói rằng khách hàng tin tưởng vào dữ liệu của họ.

Sự thiếu tin tưởng này cản trở nhiều ưu tiên, từ việc tái tạo mô hình kinh doanh đến khả năng hiển thị chuỗi cung ứng và các đề xuất khách hàng mới. Đặc biệt, DN nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin với các bên liên quan để gặt hái được đầy đủ lợi ích của việc triển khai trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Đồng thời, phải nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nhân viên của mình với một tư duy có thể thay đổi ở tất cả các cấp.

Để có thể khai thác công nghệ và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng có mục đích, các CEO cần xây dựng một DN kỹ thuật số hoàn chỉnh, bao gồm: sản xuất, văn phòng hỗ trợ, trải nghiệm khách hàng và lực lượng lao động hỗ trợ công nghệ. Ngoài ra, DN cần cung cấp cho nhân viên các nguồn lực và đào tạo cần thiết để sử dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, thúc đẩy sự đổi mới cũng như học hỏi liên tục khi công nghệ phát triển.

Tính bền vững - yếu tố cốt lõi

Theo nghiên cứu của EY, 80% CEO tin rằng, trong 5 năm tới, DN sẽ phải thực hiện các bước đi quan trọng để chịu trách nhiệm về tác động xã hội và môi trường trong hoạt động của họ. Đây cũng là cơ hội đổi mới nhằm tạo ra giá trị lâu dài về tài chính, tiêu dùng, con người và xã hội cho tất cả các bên liên quan.

Một DN bền vững bao hàm giá trị lâu dài và tăng trưởng theo nghĩa rộng nhất. Để làm được điều này, DN cần có một chiến lược dài hạn với một loạt các mục tiêu, bao gồm cả các mục tiêu tài chính và phi tài chính. Ngoài ra, việc thu hút nhân viên là đặc biệt quan trọng vì nếu không có sự cam kết của họ, mục đích của tổ chức có nguy cơ nằm trong phạm vi của lời nói khoa trương, thay vì thực tế.

Con người là trung tâm

Bài học quan trọng từ đại dịch là không thể tách rời DN và thị trường khỏi các cá nhân là nhân viên, khách hàng, đối tác, người tiêu dùng và các bên liên quan khác. Không có cái gọi là kinh doanh ảo nếu không có con người thực và ngay cả những DN được sinh ra trong không gian kỹ thuật số cũng phải dựa vào thói quen của những người thực.

Các chiến lược được xây dựng tốt nhất sẽ chẳng có tác dụng gì nếu không có tài năng và tư duy phù hợp để thực hiện chúng. Vì vậy, lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc, dựa trên các giá trị được chia sẻ và khuyến khích phát triển là điều không thể thiếu trong DN.

Bên cạnh đó, việc thu hút khách hàng bằng những trải nghiệm được cá nhân hóa đang là động lực chính của tiêu dùng, buộc DN phải có cách tiếp cận khác để đổi mới và tương tác với khách hàng. Vì vậy, khi xây dựng chiến lược phục hồi, DN phải điều chỉnh lại mọi quyết định, phát triển công nghệ và đổi mới sản phẩm/dịch vụ thông qua lăng kính tập trung vào con người./.

THÙY LÊ

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201