Thứ Sáu, 29/3/2024 - 17:30:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng

THỨ TƯ, 02/01/2019 11:45:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Trong giai đoạn tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn phát điện này lại đang vấp phải rất nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí bị phản đối vì ô nhiễm môi trường.

Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chủ yếu trong cơ cấu nguồn điện 
 
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến, giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó, nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay, mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.
 
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, hiện nay, nguồn thuỷ điện lớn và vừa cơ bản đã khai thác hết. Điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4%. Đối với nguồn điện nhập khẩu, Việt Nam đang phải nhập khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào. Dự kiến, con số này sẽ tăng từ 3 đến 5 lần trong thời gian tới. Đối với nhiệt điện khí trong nước, trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao, sơ bộ giá điện khoảng 2.700 - 2.800 đồng/kWh. Nguồn nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu phụ thuộc vào giá thị trường thế giới. Nguồn năng lượng tái tạo thì giá điện cao, vận hành không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và cần có nguồn dự phòng. Trong bối cảnh đó, nhiệt điện than là nguồn có giá hợp lý, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện. 
 
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết: Hiện nay, nhiệt điện than cấp 37 - 38% nhu cầu điện năng của đất nước. Trong điện thương phẩm năm 2017, nhiệt điện than chiếm khoảng 176 tỷ kWh và năm 2018 chiếm 215 - 216 tỷ kWh. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống. Thuỷ điện đã tới hạn, điện khí thì rất hạn chế vì nhập khẩu giá cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời thì công suất kém, không đáp ứng đủ. Cho nên, từ nay tới năm 2030 và nhiều năm sau, nhiệt điện than vẫn chiếm cơ cấu chủ yếu trong thị trường điện - ông Lực nhấn mạnh.
 
Phải đảm bảo an ninh năng lượng
 
Dù được xác định giữ một vai trò quan trọng trong thị trường điện, tuy nhiên, việc phát triển nhiệt điện than trong thời gian qua lại vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối do lo ngại những tác động đến môi trường. Nhận định về vấn đề này, PGS,TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam - cho rằng: Nhiệt điện than đốt hàng chục triệu tấn than và thải ra tro xỉ, điều này là đúng nhưng phải xem họ xử lý phát thải như thế nào. Phải khẳng định, hiện tại, tại Việt Nam, nhiệt điện than có công nghệ xử lý môi trường tốt nhất và luôn đạt các quy chuẩn quản lý môi trường của quốc gia… Trong bối cảnh hội nhập, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích ochiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện)...
 
Hiện nay, trên thế giới, Câu lạc bộ 20 nước đoạn tuyệt với nhiệt điện than đã được thành lập. Những nước này đều có tỷ lệ nhiệt điện than rất thấp và do các nguồn năng lượng khác dồi dào hơn và đã ở giai đoạn bão hoà về nhu cầu điện. Ví dụ, Thuỵ Điển chỉ có nhiệt điện than 1%, Pháp có 3,1%. Nhiều nước có nguồn thuỷ điện lớn như: Thuỵ Sĩ, Áo, tỷ lệ nhiệt điện than cũng rất thấp. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, bất kỳ nguồn điện nào đều có tính chất hai mặt. Ngay cả trào lưu phát triển các nguồn năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời nếu không cẩn trọng cũng có tác động đáng kể tới môi trường.
 
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng  cho rằng: Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030 lần lượt là 10,6%, 8,5% và 7,5%. “Để đáp ứng nhu cầu điện, cần phát triển nguồn điện hài hòa, nhất là trong bối cảnh các thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201