Thứ Hai, 29/4/2024 - 08:05:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Phát triển nhiệt điện than: Cân bằng lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường

THỨ HAI, 11/09/2017 09:25:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Sau khi quyết định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phát triển nhiệt điện than được tính đến là một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến môi trường của loại hình sản xuất năng lượng này đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp phát triển phù hợp, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng

Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Để khắc phục vấn đề này, việc phát triển nhiệt điện than đang là phương án được lựa chọn. Minh chứng là Quy hoạch điện VII điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 đã nâng tổng công suất nhiệt điện than từ 30,4% lên 49,3% vào năm 2020, tăng lên 55% vào năm 2025 và chiếm khoảng 53,2% vào năm 2030.

Lý giải nguyên nhân về việc lựa chọn phát triển nhiệt điện than, ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho biết: Các nguồn điện của Việt Nam đã được tính toán kỹ lưỡng. Nguồn thủy điện nhỏ khó phát triển thêm, trong khi chúng ta lại không chủ trương phát triển điện hạt nhân. Bởi vậy, hiện nay, Việt Nam vẫn phải làm nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao cho phát triển kinh tế.

Khẳng định nhiệt điện than đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Giai đoạn năm 2020-2030, Việt Nam sẽ bổ sung khoảng 6.000 MW nhiệt điện và LNG (khí hóa lỏng) nhập khẩu đủ năng lực để thay thế 4.600MW Dự án điện hạt nhân về sản lượng điện cho hệ thống. Tuy nhiên, đối với nhiệt điện than, khí và LNG nhập khẩu, chúng ta có thể xã hội hóa việc huy động vốn đầu tư thông qua các hình thức thực hiện dự án BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... nên không làm tăng nợ công như trường hợp đầu tư điện hạt nhân. Giai đoạn sau năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than, LNG; năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời...

Như vậy, từ nay đến năm 2030, nguồn nhiệt điện than luôn đóng vai trò chủ lực trong Hệ thống điện Việt Nam. Nguồn năng lượng này có ưu điểm nổi bật là giá thành điện rẻ (chỉ sau thủy điện), vốn đầu tư thấp, thời gian xây dựng không quá lâu…

Bảo vệ môi trường là thách thức lớn

Tuy nhiên, nhiệt điện than lại là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Tính trung bình, việc sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám sẽ thải ra từ 0,9 - 1,5kg tro, xỉ. Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW. Lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ làm phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn, nhưng lượng tro, xỉ này được xử lý, sử dụng chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng lượng thải ra. Đây là thách thức rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là theo dự kiến sau năm 2020, số nhà máy nhiệt điện sẽ còn tăng lên gấp đôi (43 nhà máy). 

Tìm giải pháp cho vấn đề này, TS. Trần Văn Lượng - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết: Các DN sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ.

Do đó, Nghị định này cần được sửa đổi theo hướng loại bỏ “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” theo Khoản 5, Điều 32 để các DN sản xuất xi măng, gạch không nung và sản xuất vật liệu xây dựng dễ dàng tiếp cận, xử lý, tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Đây là cơ sở để quản lý chất lượng các loại tro, xỉ cũng như việc sử dụng các loại tro, xỉ cho các mục đích khác nhau…

Để phát triển nhiệt điện than mà vẫn đảm bảo cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng: Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi (nhiệt độ, áp suất) trên tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường. 

Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Việt Nam sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến (De-SOx, De-NOx, ESP khử bụi) đối với các dự án xây mới và sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường đối với các nhà máy đang vận hành, nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như của quốc tế.

HOÀNG LONG
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201