Thứ Sáu, 17/5/2024 - 16:05:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

“Bức tranh” nông thôn Việt Nam đã được phác họa rõ nét

THỨ NĂM, 06/08/2015 07:05:00 | KINH DOANH
(BKTO)- Ngày 05/8, Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các đối tác, nhà tài trợ đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam” sau 5 vòng điều tra quy mô rộng được tiến hành 2 năm/lần kể từ năm 2006 đến nay.


Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: PHÚC KHANG
 
Nhóm nghiên cứu gồm các thành viên trong nước và quốc tế đến từ nhiều cơ quan khác nhau đã điều tra lặp lại 2.162 hộ gia đình tại 12 tỉnh của Việt Nam, gồm Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Nam và Long An.

Từ số liệu tổng hợp, các chuyên gia đã phân tích và rút ra rằng: Khu vực nông thôn trong 10 năm qua đã có sự tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Sự phát triển công nghệ thông tin cũng vượt xa các nước trong khu vực, xét trên số lượng thuê bao điện thoại cố định.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng và sự thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng đang giảm dần. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy những gì mà khu vực nông thôn đã đạt được có thể đạt được cao hơn nữa. Một vấn đề cần lưu ý là giá trị gia tăng trong nông nghiệp, lao động ở nông thôn vẫn “dậm chân tại chỗ” trong suốt thập kỷ qua. Trong khi nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng thì việc tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp của người dân nông thôn lại ngày càng tăng. Việc di cư liên tỉnh và nội tỉnh diễn ra khá phổ biến đối với nhiều thành viên trong hộ gia đình. Nông nghiệp ngày càng trở nên thương mại hóa ở nông thôn, nhất là trong việc mua bán lúa gạo. Nhưng các hộ nghèo trồng lúa nhiều hơn và dành để sử dụng nhiều hơn nên bán ít hơn.

Tại Hội thảo, GS.Finn Tarp - Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch), Trưởng nhóm nghiên cứu - đã chỉ ra 5 phát hiện chính trong Báo cáo. Thứ nhất, điều kiện sống của các hộ gia đình nông thôn xét về giá trị tuyệt đối đã được cải thiện. Thứ hai, khu vực nông thôn đã có sự giảm mạnh về tỷ lệ đói nghèo, nhưng điều này không đúng với tất cả các hộ, bởi nhiều hộ còn bị nghèo hơn sau 10 năm. Thứ ba, việc có đầy đủ các tài sản, bao gồm giáo dục, vốn xã hội, tư liệu sản xuất giúp các hộ có cơ hội phát triển tốt hơn và tương tự, nếu hộ gia đình có nhiều thành viên trong độ tuổi lao động thì cơ hội phát triển cũng tốt hơn. Thứ tư, các hộ có mức giảm lớn trong chi tiêu thực phẩm và các chỉ tiêu phúc lợi xã hội khác thường là các hộ gặp phải các cú sốc và không phải là dân tộc Kinh. Thứ năm, vốn xã hội và các mối quan hệ mang tính đỡ đầu đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu, dù quá trình cải cách kinh tế đã có rất nhiều thành tựu to lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ giải quyết được một phần khó khăn thách thức kép về đói nghèo và chậm phát triển, nhiều thách thức lớn vẫn còn đang ở phía trước…

Bình luận dựa trên kết quả trong bản Báo cáo, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Bo Monsted cho rằng, vấn đề cần quan tâm để có giải pháp phù hợp là nhiều hộ gia đình nông thôn Việt Nam đã bị tụt hậu so với 10 năm trước. Những hộ gia đình do phụ nữ làm chủ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài hơn là những hộ do nam giới làm chủ. Do đó, nếu phụ nữ được trao quyền nhiều hơn, họ sẽ có cơ hội cải thiện đời sống khá giả hơn.

TS.Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, đã nêu bật vai trò của kết quả nghiên cứu trên khía cạnh lao động nông thôn di cư ra thành thị thường có việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Từ đó tạo nguồn lực tăng trưởng cho hộ gia đình thông qua các khoản tiền gửi, giúp gia đình đối phó với rủi ro đột xuất. Như vậy, chúng ta có thể an tâm hơn đối với chính sách người di cư và cần có những thay đổi chính sách phù hợp. Đồng thời, khi có các khoản tiền gửi về thì cách tiếp cận của hộ gia đình nông thôn đối với nguồn lực của nông thôn cũng tăng lên. Đây chính là tác động của di cư mà chúng ta chưa thấy có ở những nghiên cứu trước.

Không dừng lại ở việc nghiên cứu và phản ánh thực tế, nhóm nghiên cứu đã phân tích và đưa ra hàm ý chính sách quan trọng: duy trì sự tập trung vào những nhu cầu phát triển vật chất, con người và vốn xã hội, đặc biệt quan tâm đến những tỉnh còn khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; cần phát triển các chính sách giúp nâng cao năng suất trong nông nghiệp; tích cực hỗ trợ các hoạt động phi nông nghiệp và giúp thành lập các DN hộ gia đình - một phần không thể thiếu của chiến lược thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong toàn nền kinh tế. Đồng thời, không né tránh việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt hơn, được đặc trưng bởi tính năng động cao, luôn quan tâm đến vấn đề tạo việc làm…

TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Bức tranh” tổng thể và toàn diện về đời sống nông thôn Việt Nam đã được phác họa rõ nét, từ tác động của tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn tới thị trường đất đai, lao động và vốn, đến tác động của các chính sách đối với tăng trưởng, bất bình đẳng và giảm nghèo ở cấp độ làng xã, bao gồm cả việc phân bổ thành quả và mất mát từ tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cung cấp một đánh giá chuyên sâu về sự thay đổi trong đời sống nông thôn Việt Nam suốt một thập kỷ qua bằng việc kết hợp giữa nguồn dữ liệu điều tra lặp lại và công cụ phân tích hiện đại. Đây là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu, phân tích kinh tế vĩ mô về sự phát triển, về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu.
PHÚC KHANG
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201