Thứ Ba, 16/4/2024 - 13:52:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực kiểm toán

THỨ HAI, 04/11/2019 08:20:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực kiểm toán. Đây được coi như là một xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác kiểm toán của KTNN nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay.


CMNG 4.0 đã làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán hiện nay. Ảnh: Ngọc Bích

Những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới lĩnh vực kiểm toán

CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu kiểm toán cũng như cho phép thực hiện các phương thức kiểm toán trong môi trường tin học hóa, tiết kiệm thời gian, công sức cũng như không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách địa lý, tiếp cận gần hơn với hệ thống kiểm toán quốc tế.

Bên cạnh đó, các kiểm toán viên cũng có thể thu thập các thông tin mà hiện nay đang phải thu thập theo hình thức thủ công hoặc rất khó thu thập; có thể trích xuất dữ liệu từ kho dữ liệu của Ngành, phục vụ cho tất cả các loại quyết định, các cấp lãnh đạo, tất cả các loại trạm kiểm soát thông tin ra quyết định và tất cả những người có lợi ích liên quan; nâng cao độ tin cậy và hợp lý của việc báo cáo thông qua việc tự kiểm soát hoặc các hệ thống tự kiểm… 

Tóm lại, CMCN 4.0 tác động đến KTNN trên bốn khía cạnh chủ chốt như sau: Phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành tại cơ quan KTNN; Đối tượng, phạm vi, quy mô kiểm toán; Phương thức kiểm toán với việc kiểm toán trên dữ liệu số; Các yêu cầu năng lực, kỹ năng CNTT của các kiểm toán viên. 

Song hành cùng những tác động, CMCN 4.0 cũng mang đến nhiều thách thức đối với KTNN. Cụ thể: Việc đảm bảo an toàn an ninh mạng, phòng ngừa rủi ro, bảo mật và kiểm soát dữ liệu trở nên khó khăn hơn trước khi thực hiện “Chuyển đổi số”. Các giải pháp, kỹ thuật công nghệ hiện đại của CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, am hiểu và nắm vững các kỹ năng kỹ thuật số, đặc biệt đối với các kiểm toán viên trong việc khai phá, phân tích dữ liệu để có nền tảng vững chắc trong việc sử dụng các công nghệ mới. Bên cạnh đó, các công nghệ, giải pháp mới yêu cầu đầu tư nguồn lực tài chính lớn trong bối cảnh ngân sách, nợ công còn nhiều khó khăn. 

Trong giai đoạn 25 năm xây dựng và phát triển, có thể thấy công tác ứng dụng CNTT khá được chú trọng trong hoạt động của KTNN, cụ thể: KTNN đã đầu tư một số hệ thống thông tin quan trọng như: Hệ thống lập kế hoạch kiểm toán, quản lý theo dõi quá trình kiểm toán, các công cụ hỗ trợ thực hiện kỹ thuật kiểm toán tại một số lĩnh vực kiểm toán chuyên ngành, tra cứu các thông tin hỗ trợ kiểm toán… Nhờ vậy, công tác kiểm toán đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, hướng tới sự minh bạch, chính xác, đầy đủ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả ứng dụng CNTT hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được theo yêu cầu của công tác kiểm toán. Các ứng dụng nghiệp vụ còn hoạt động tương đối độc lập, chưa thống nhất về các danh mục, cơ sở dữ liệu dùng chung dẫn đến khó khăn trong việc liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu; chưa xây dựng được công cụ kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương hoặc các đơn vị được kiểm toán để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán; chưa thực hiện chuẩn hóa, xây dựng các tiêu chuẩn về dữ liệu phục vụ kiểm toán; chưa xây dựng đầy đủ các công cụ hỗ trợ kiểm toán cho các lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt chưa có phần mềm hỗ trợ kiểm toán lĩnh vực kiểm toán CNTT; chưa xây dựng được hệ thống quản trị dữ liệu lớn cùng các công cụ thu thập, chuẩn hóa, phân tích, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển hoạt động kiểm toán theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Để công nghệ thông tin trở thành thế mạnh thực sự của KTNN 

Với sự phát triển vượt trội của CMCN 4.0 hiện nay, các ứng dụng kỹ thuật số chủ chốt mà KTNN có thể xem xét, nghiên cứu áp dụng trong tương lai gồm có: 
Thứ nhất, Dữ liệu lớn (Big Data): Hiện nay, KTNN đang có nguồn dữ liệu khổng lồ về lĩnh vực kiểm toán nhưng hiện chưa được tổ chức, sắp xếp và khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, KTNN có quyền tiếp cận các báo cáo tổng hợp, chi tiết kiểm soát dữ liệu, thông tin của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các tài nguyên số khác công bố rộng rãi trên môi trường mạng. Vì vậy, tài nguyên số của KTNN có thể xây dựng dựa trên việc kết hợp phương án tận dụng dữ liệu sẵn có và thu thập dữ liệu lớn, đồng thời, áp dụng các quy trình tự động và trí tuệ nhân tạo để tổ chức sắp xếp tự động dữ liệu thành các kho tri thức chuyên đề, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác kiểm toán.

Thứ hai, Công nghệ chuỗi khối (Blockchain): Trong điều kiện lý tưởng, công nghệ chuỗi khối cho phép tạo ra cuộc kiểm toán số, tự động hoàn toàn tất cả các giao dịch tài chính, nghiệp vụ sử dụng công nghệ trên. Mức độ tự động của hoạt động kiểm toán phụ thuộc vào mức độ áp dụng công nghệ chuỗi khối vào việc quản lý các giao dịch kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, các kiểm toán viên trong kỷ nguyên CMCN 4.0 phải nắm vững, áp dụng các kỹ thuật kiểm toán các giao dịch công nghệ chuỗi khối và vận dụng hiệu quả trong các tình huống thực tế.

Thứ ba, Công nghệ phân tích (Analytics): Những cải tiến, thay đổi về các công nghệ, kỹ thuật phân tích đang cho phép các kiểm toán viên tập trung nỗ lực kiểm toán đến mọi đối tượng liên quan ở bất kỳ thời điểm nào dựa trên các bộ dữ liệu lớn mà các hệ thống dữ liệu kiểm toán lưu trữ. Bằng các công nghệ này, các kiểm toán viên có khả năng kiểm tra bằng chứng kiểm toán trong thời gian thực, với việc xác định kịp thời các vấn đề và nắm bắt thông tin bất thường so với hồ sơ kiểm toán chi tiết truyền thống. Các công nghệ phân tích mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán với khả năng phân loại, kiểm tra tập trung các tập dữ liệu lớn hoặc phức tạp đã được tổ chức sắp xếp theo các chuyên đề, đồng thời đưa ra dự báo, cảnh báo và phân tích nguyên nhân.

Thứ tư, Trí tuệ nhân tạo (AI): Các công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo mang đến cho nghề kiểm toán nhiều cơ hội để cải thiện các phương pháp kiểm toán, hỗ trợ cung cấp cho các kiểm toán viên các dịch vụ tốt hơn, tiết kiệm thời gian làm việc cũng như nâng cao chất lượng, tính minh bạch trong công tác kiểm toán thông qua việc tự động hóa theo chuẩn.

Để có thể tận dụng tối đa những công nghệ trên, qua đó tăng cường chất lượng của công tác kiểm toán, đòi hỏi cơ quan KTNN phải tiếp tục đổi mới một cách toàn diện về các phương pháp, cách thức kiểm toán thông qua việc ứng dụng CNTT nâng cao tính cạnh tranh, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Trước mắt, KTNN sẽ cần nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề như sau:
Một là, cách thức xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn thông tin từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu bên ngoài phục vụ công tác kiểm toán. Hai là, cách thức, phương án xác định, đánh giá tính phù hợp của các bằng chứng kiểm toán số mà cơ quan KTNN thu thập được từ các hệ thống CNTT của các đối tượng được kiểm toán. Ba là, những loại bằng chứng kiểm toán mới nào có thể được tạo ra và thu thập trong CMCN 4.0 để phục vụ công tác kiểm toán? Phương án thu thập là gì? Bốn là, các tiêu chuẩn, quy trình kiểm toán có cần phải thay đổi để thích nghi với môi trường kiểm toán trong bối cảnh CMCN 4.0. Năm là, các bên liên quan cần làm gì để bảo vệ tính bảo mật và quyền riêng tư được chia sẻ, trao đổi hoặc thu thập phục vụ kiểm toán. Sáu là, khung pháp lý, các cơ chế, chính sách và các định hướng chiến lược phục vụ công tác kiểm toán trong thời đại chuyển đổi số.

Nói tóm lại, cuộc CMCN 4.0 đang mang tới nhiều cơ hội và thách thức mới cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu, đầu tư ứng dụng CNTT vào KTNN là vô cùng cần thiết, phù hợp với Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2035.


THÙY LÊ (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 31-10-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201