Thứ Bảy, 20/4/2024 - 19:05:37 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Covid-19 thách thức mục tiêu xuất khẩu lao động

THỨ BẢY, 21/08/2021 22:22:41 | HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
(BKTO) - Năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức đối với mục tiêu này.

 

Ảnh minh họa - Nguồn:molisa.gov.vn


Hơn 40.000 lao động chưa thể xuất cảnh bởi dịch bệnh phức tạp

Theo thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động. Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, con số gần 35.000 lao động đi làm việc nước ngoài trong 4 tháng đầu năm là sự nỗ lực lớn từ ngành chức năng, DN cũng như của người lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước lý giải: Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 luôn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra khó lường và kéo dài đã khiến cho hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng trầm trọng.

Ở trong nước, các chính sách phòng, chống dịch cấp thiết của các tỉnh, thành phố đã hạn chế việc di chuyển của người lao động đến tập trung học tập, tham gia phỏng vấn ở các công ty phái cử. Cùng với đó, với các chính sách hạn chế tụ tập đông người, các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm của các tỉnh, thành phố phối hợp với các DN tổ chức đã không thể diễn ra. Điều đó khiến cho việc tiếp cận thông tin chương trình và các đơn hàng tuyển dụng từ phía các đối tác nước ngoài bị hạn chế đáng kể.

Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đã ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Thêm nữa, việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động khiến cho số lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ không thể xuất cảnh được. Theo thống kê, hiện cả nước đang có hơn 40.000 lao động chưa thể xuất cảnh.

Hoàn thiện thể chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động

Đề cập đến giải pháp giữ ổn định cho thị trường lao động ngoài nước, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - chia sẻ: “Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, rất khó lường như hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc hoàn thiện về thể chế nhằm quản lý cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động cũng được ngành LĐ-TB&XH quan tâm”.

Ông Liêm cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 13/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Điều này đã tạo ra tính minh bạch thông tin, góp phần thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Luật lần này cũng mở ra cơ hội cho người lao động được đi làm việc ở nước ngoài ngắn hạn theo thỏa thuận giữa các địa phương của 2 nước (trước đây, một số địa phương đã triển khai thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc và đã đạt được kết quả khả quan).

Do đó, trong năm nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như kịp thời thông tin và hướng dẫn các DN hoạt động dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn tiến phức tạp tại các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.

Đồng thời, Cục tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; từng bước nâng cấp cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ổn định thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Đặc biệt, trước những khó khăn của các DN tham gia phái cử lao động hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Văn bản hướng dẫn các DN về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các DN căn cứ tình hình cụ thể tại DN, thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ phù hợp trong trường hợp có nhu cầu./.
LÊ BẢO

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201